Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, ngày 27/1/2005, Malaysia đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài trong 3 tháng; trong đó, có lao động Việt Nam (hiện có khoảng 86.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại quốc gia này).
Lao động nước ngoài ở Malaysia |
Nguyên nhân việc đóng cửa thị trường được phía Malaysia đưa ra là để giải quyết triệt để vấn đề lao động nước ngoài đang cứ trú bất hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia này...
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, 2 thị trường quan trọng nhất của ta hiện nay là Đài Loan (tạm dừng từ 20/1/2005, vì tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, 9%) và Malaysia (vì tình trạng lao động bất hợp pháp chưa giải quyết triệt để) tạm ngừng tiếp nhận lao động của ta. Năm 2004, chúng ta đã đưa đi khoảng 68.000 lao động, trong đó Đài Loan đứng đầu với 37.000 lao động, tiếp đó là Malaysia...
Hiện, chúng ta chỉ còn lại thị trường chính thức là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chi phí trước khi đi của 2 thị trường này rất cao (khoảng 200 triệu đồng), vả lại số lượng tiếp nhận hằng năm không đáng kể; bên cạnh đó, các thị trường mới như Anh, Canada, Hy Lạp, Libyia, Dubai...chưa định hình nên cơ hội xuất ngoại của người lao động, ít nhất trong 3 tháng tới là rất khó khăn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chiều 28/1/2005, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam - Vũ Lâm Thời đã xác nhận thông tin Malaysia ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài là chính xác. Ông Thời cho biết thêm, những lao động đã được cấp calling visa và đã thẩm định hợp đồng vẫn đi bình thường; số còn lại kể cả đã đào tạo xong, đã có mối nhận cũng đều phải tạm dừng...
Hiện, Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH đang chuẩn bị kế hoạch và chỉ đạo cụ thể để giải quyết khó khăn liên quan đến lệnh tạm ngừng này. Ông Vũ Lâm Thời, ông Nguyễn Xuân An - Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, việc trong thời gian ngắn 2 thị trường trọng điểm đã ngừng tiếp nhận lao động ta là tổn thất lớn của chính sách xuất khẩu lao động trong bối cảnh hiện nay. Nếu trong 3 tháng tới, thị trường Đài Loan và Malaysia không mở cửa trở lại, tiếp nhận lao động ta thì chỉ tiêu xuất khẩu 70.000 lao động trong năm 2005 sẽ khó mà đạt được. Theo Báo Tuổi trẻ