Khi hiệu quả không chỉ tính bằng giá trị kinh tế
PTĐT - Nếu như mục tiêu chung của tín dụng thương mại là tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đầu tư cho vay các dự án kinh tế thì mục đích của hoạt động tín dụng chính sách...

Khi hiệu quả không chỉ tính bằng giá trị kinh tế

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, một số hộ dân ở khu Lâm Thao, thị trấn Lâm Thao đã thành lập Hợp tác xã Đồng Tiến chuyên sản xuất cống, rãnh thoát nước; sau gần 2 năm hoạt động đã cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi tháng trừ chi phí thu lãi 30 triệu đồng.

PTĐT - Nếu như mục tiêu chung của tín dụng thương mại là tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đầu tư cho vay các dự án kinh tế thì mục đích của hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) lại là tập trung nguồn vốn giải quyết các vấn đề khó khăn của xã hội. Trải qua hơn hai mươi năm hoạt động, đặc biệt từ khi Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) được tách ra là một tổ chức tín dụng độc lập, nguồn vốn TDCS không chỉ dừng lại ở đối tượng hộ nghèo mà đã lan tỏa, mở rộng sang các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Những điều kiện ưu biệt hơn hẳn của nguồn vốn TDCS đã thực sự phát huy được vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo, giúp họ tự vận động để thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Sự chuyển động nhanh và mạnh của vốn TDCS đến từng nhu cầu thiết yếu của người nghèo và đối tượng chính sách đã và đang hiện hữu trên khắp các miền quê Đất Tổ. Rất nhiều chương trình được triển khai hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực, làm thay đổi hẳn chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở khu vực nông nghiệp nông thôn, khẳng định sự thành công của TDCS trong suốt những năm qua. Hơn cả những giá trị về kinh tế, hiệu quả mà TDCS đã đạt được đến thời điểm này chính là những vấn đề xã hội được giải quyết và các giá trị cuộc sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân đang từng bước được cải thiện, nâng lên, giúp người dân hiểu để càng tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Chiếm đa số trong tổng nguồn hoạt động của Ngân hàng CSXH, đến nay dư nợ cho vay hộ nghèo toàn tỉnh đạt 1.165 tỷ đồng/3.680 tỷ đồng tổng dư nợ cho vay các chương trình. Từ nguồn vốn trên hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo đã được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, khẳng định vốn tín dụng hộ nghèo chính là một trong những kênh quan trọng đẩy mạnh mục tiêu xóa đói, giảm nghèo hiệu quả; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Hơn thế, một hệ ý thức mới được hình thành trong cộng đồng người nghèo với việc tiết kiệm, dành dụm để tạo lập nguồn vốn và tích lũy cho tương lai, hướng tới sản xuất kinh tế hàng hóa.

Trải rộng đến tận những bản làng, thôn xóm nơi vùng sâu, vùng xa, TDCS được “phủ” kín thông qua mạng lưới trên 4.200 tổ tiết kiệm và vay vốn cùng 276 điểm giao dịch xã. Các chương trình TDCS ngày một tiếp cận nhiều, thấm đẫm nhu cầu cuộc sống đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vốn yếu thế dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống. Đối với Tân Sơn - huyện nghèo 30a thì TDCS thực sự là một đòn bẩy kinh tế cho nhiều gia đình từ thiếu ăn đến có “của ăn của để”. Đến thời điểm này, Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn đã triển khai, thực hiện 14 chương trình với dư nợ cho vay trên 330 tỷ đồng. Gia đình chị Hà Thị Hương ở khu Dặt, xã Thạch Kiệt là một hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở tạm bợ, chồng tàn tật, con nhỏ, song nhờ sự quyết tâm vượt khó và được tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi, chị Hương “khởi nghiệp” chỉ với 6 triệu đồng vốn vay hộ nghèo rồi đến 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm đầu tư chăn nuôi, trồng trọt; nay gia đình chị đã thoát nghèo. “Nhờ TDCS mà gia đình tôi đã làm được nhà xây kiên cố, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt có giá trị, các con có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Gia đình tôi biết ơn Đảng, Chính phủ rất nhiều. Hiện tôi đang tiếp tục đầu tư nuôi trâu bò sinh sản và trồng rừng” - chị Hương xúc động nói.

Những đồng vốn chính sách không chỉ đem đến cho bà con điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho con cái họ, cho lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định. Chính sách cho vay học sinh sinh viên (HSSV) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế và chính trị, tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Đến nay, dư nợ tín dụng HSSV trong toàn tỉnh đạt gần 360 tỷ đồng cho gần 17.000 HSSV vay. Cùng với đó, mức dư nợ cho vay giải quyết việc làm hiện nay là 86 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu lao động trên 29 tỷ đồng. Các nguồn vốn cho vay ưu đãi này cũng đã tạo động lực tích cực thúc đẩy người lao động chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình, tăng thu nhập, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhiều lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, chương trình cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn trong thời gian qua cũng đã có những đóng góp không nhỏ, thực sự phát huy hiệu quả, nhất là ở những vùng có kinh tế nông nghiệp phát triển dễ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường bởi rác thải và chất thải chăn nuôi. Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh cán đích nông thôn mới, kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn TDCS. Đồng hành với phát triển kinh tế, nguồn tín dụng ưu đãi cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường được triển khai ngày càng rộng khắp trên địa bàn huyện. Hiệu quả có thể thấy rõ bằng định lượng khi số dư nợ cho vay phát triển kinh tế của huyện đạt 54 tỷ đồng thì dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường đạt 66 tỷ đồng. Đã có hàng ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh được triển khai xây dựng trên khắp địa bàn huyện, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm thiểu bệnh tật cho nhân dân.

Cùng với nhiều chương trình khác như cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay đồng bào dân tộc thiểu số…thì đối tượng được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang ngày càng được mở rộng, trong đó tập trung nhiều cho đồng bào các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Như vậy, đối tượng của TDCS đã không chỉ dừng lại ở “cái nghèo”, “cái khó” nữa mà đã được mở rộng để đạt tới một mục tiêu lớn hơn là nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng. Rõ ràng hiệu quả đầu tư nguồn vốn chính sách đã không chỉ được tính bằng những giá trị kinh tế mà còn thể hiện ở một mức độ lớn hơn là nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Và những giá trị vô hình đó có ý nghĩa hơn rất nhiều những giá trị hữu hình có thể nhìn thấy được.

PHƯƠNG THẢO

PHƯƠNG THẢO