Khó khăn thực hiện mục tiêu “không ly hương”
PTO- Đất nông nghiệp bị thu hẹp, thiếu vốn, thiếu kỹ năng phát triển sản xuất, nhiều thanh niên nông thôn phải rời bỏ quê hương đến những tỉnh, thành phố lớn tìm việc làm dẫn đến tình trạng làng quê

Khó khăn thực hiện mục tiêu “không ly hương”

PTO- Đất nông nghiệp bị thu hẹp, thiếu vốn, thiếu kỹ năng phát triển sản xuất, nhiều thanh niên nông thôn phải rời bỏ quê hương đến những tỉnh, thành phố lớn tìm việc làm dẫn đến tình trạng làng quê vắng bóng thanh niên. Để khắc phục tình trạng trên, các cấp, các ngành, nhất là đoàn thanh niên đã có nhiều giải pháp như tư vấn, định hướng, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn, hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất… Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn tránh ly hương vẫn đang là bài toán khó.

 Ngày hội tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.
Ngày hội tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

Đa dạng các hình thức trao “cần câu”.

Chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số, đoàn viên thanh niên khối nông thôn chỉ đứng sau cơ cấu đoàn viên khối trường học và có vai trò xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Vậy mà những năm gần đây, lực lượng xung kích trẻ, khỏe đã lần lượt rời bỏ quê hương đến các khu, cụm công nghiệp ở các thành phố để tìm kế sinh nhai cho dù cấp ủy, chính quyền và đoàn thanh niên các địa phương đã có nhiều giải pháp tạo việc làm. Tuy chưa có con số thống kê chính xác số lượng đoàn viên thanh niên rời quê đi làm ăn xa là bao nhiêu nhưng số thanh niên ly hương chiếm khoảng trên 50% tổng số đoàn viên thanh niên nông thôn. Để khắc phục tình trạng thanh niên thiếu kiến thức, việc làm ồ ạt rời quê đi làm ăn xa, khi về mang theo những tai tệ nạn xã hội, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các huyện, thành, thị đoàn để tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tới đoàn viên thanh niên, tổ chức ngày hội tư vấn đào tạo và giới thiệu việc làm. Trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, toàn tỉnh đã tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, tọa đàm về học nghề, lập nghiệp cho ĐVTN thu hút hàng trăm nghìn lượt ĐVTN tham gia; tổ chức nhiều buổi gặp gỡ trao đổi giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với ĐVTN, tư vấn về việc làm, định hướng nghề cho gần 165 ngàn lượt thanh niên, giới thiệu việc làm cho 13.418 lượt thanh niên, giải quyết việc làm cho 3524 lượt ĐVTN, thành lập được 33 CLB học nghề, lập nghiệp. Đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh cho biết: Ngoài việc chủ động mời các doanh nghiệp, các nhà trường tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, trung tâm còn phối hợp và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp giải quyết việc làm cho thanh niên như: Canon, Nissei của Nhật Bản ở Hà Nội, Công ty Dương Thành Phú, May Đại Hưng ở tỉnh, công ty Dệt May Sài Gòn và các doanh nghiệp trên địa bàn. Trung tâm cũng đã mở được hơn 90 lớp đào tạo nghề, dạy nghề cho hơn 2900 học viên học các ngành nghề tin học văn phòng, cơ khí, gò hàn, chế biến nông lâm sản, chiết ghép cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm, chế biến và bảo quản tương...

Để tạo điều kiện giúp thanh niên lập thân lập nghiệp, Tỉnh đoàn thanh niên hiện đang triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008- 2015”, quản lý nguồn vốn giải quyết việc làm do Trung ương đoàn ủy quyền 2.468 triệu đồng cho các đoàn viên thanh niên vay phát triển sản xuất. Hiện nay số vốn này đang được tập trung vào 20 dự án do đoàn viên thanh niên ở các huyện, thị làm chủ đầu tư. Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cũng ủy thác qua tổ chức đoàn thanh niên quản lý nguồn quỹ cho thanh niên vay… Đồng chí Bùi Quang Thái, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Trong những năm qua vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn đã được quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về kiến thức, tư vấn nghề nghiệp và dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên nông thôn vay vốn phát triển kinh tế lập thân lập nghiệp… Nhiều ĐVTN sau khi được tư vấn, định hướng, học nghề, vay vốn đã tìm được công ăn việc làm làm giàu ngay trên đất quê nhưng cũng có không ít đoàn viên thanh niên sau khi học nghề vẫn chưa thể tìm được việc làm. Nhiều ĐVTN nông thôn do không có việc làm ở quê đã ly hương đi làm ăn xa làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt đoàn ở vùng nông thôn.

Nhiều thanh niên nông thôn được học nghề chế biến tương đã tự lo được cuộc sống.
Nhiều thanh niên nông thôn được học nghề chế biến tương đã tự lo được cuộc sống.

Vẫn là bài toán khó

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp “trao cần câu” cho ĐVTN nông thôn trong vấn đề lập thân lập nghiệp nhưng do nhu cầu của thanh niên nông thôn cần vay vốn quá cao mà nguồn vốn không đáp ứng đủ nên nhiều thanh niên dù không muốn vẫn phải ly hương kiếm kế sinh nhai. Nhiều thanh niên nông thôn rời quê "nam tiến" tìm việc làm nhưng do chi phí ăn ở, đi lại cao nên sau một vài năm làm việc không đủ tiền về quê. Nguyễn Tuấn Anh xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ sau khi xuất ngũ cũng muốn có cuộc sống ổn định ở làng quê chôn rau cắt rốn của mình. Nhà có ao, đất vườn rộng nhưng Tuấn Anh không biết bắt đầu bằng cách nào. Muốn vay tiền để cải tạo lại ao nhà nhưng Tuấn Anh không có gì để thế chấp bởi sổ đỏ của gia đình bố mẹ em đã thế chấp trước đó. Không có định hướng, không có vốn, Tuấn Anh dù không muốn xa nhà nhưng cũng không thể là gánh nặng của bố mẹ. Thấy bạn bè trong xã lần lượt ra đi tìm việc làm trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, Tuấn Anh cũng theo đi và kiếm được chân bảo vệ ở một công ty. Lương thấp không đủ để chi phí thuê nhà, ăn uống nên làm được một năm Tuấn Anh đành bỏ về quê theo bố làm phụ hồ. Thấy xã mở lớp học nghề cơ khí em cũng theo học nhưng học xong rồi lại không có vốn để mở xưởng, xin việc ở các xưởng cơ khí trong xã thì đều nhận được cái lắc đầu vì ít việc nên Tuấn Anh chỉ còn cách đi xúc vữa cùng cánh thợ của bố. Tuấn Anh tâm sự: Em cũng muốn tự lập nghiệp ngay tại mảnh đất quê nhà nhưng sao khó quá.

Cũng giống như nhiều thanh niên nông thôn có chung tâm lý thoát ly khỏi làng quê nghèo mong tìm thấy cuộc sống khá giả hơn ở quê người, anh Thẩm Bá Tiến thành viên CLB gia đình trẻ khu 9 xã Vân Đồn huyện Đoan Hùng cũng một thời kiếm việc ở các tỉnh khác. Đi nhiều nhưng vốn chẳng thấy đâu, đến khi về quê lập gia đình vẫn hai bàn tay trắng. Sau khi lấy vợ, sinh hoạt trong câu lạc bộ gia đình trẻ, được vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, anh đã cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả và chăn nuôi, hiện nay anh đang là ông chủ của khu vườn với 1000 gốc bưởi Chí Đám, 100 gốc chanh tứ thì, vài chục gốc quất bán quả, 300 con ngan chuẩn bị xuất… Trong ngôi nhà khang trang mới được xây dựng từ tiền bán bưởi, chanh, ngan, vịt, anh Tiến tâm sự: Giá như khi mười tám đôi mươi tuổi tôi được định hướng nghề nghiệp như các bạn trẻ bây giờ thì có lẽ giờ đây cơ ngơi của tôi khang trang hơn nhiều.

Việc khắc phục tình trạng thanh niên nông thôn “Ly nông bất ly hương” không hề đơn giản khi mà nhu cầu việc làm của thanh niên ngày một nhiều mà nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp lại khác nhau. Nhiều thanh niên nông thôn sau khi ly hương tìm được việc làm ổn định nhưng không ít người sau một thời gian ly hương đã mắc các tệ nạn xã hội. Nhiều gia đình sau khi con em mình đi làm ăn xa đã phải vay mượn tiền nong vào tận nơi con ở để trả nợ và đón con về. Để thanh niên nông thôn thực sự là lực lượng xung kích trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thanh niên cần tìm ra các giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn tránh tình trạng thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa mang lại những hậu quả xấu cho gia đình và xã hội.

Lê Thương