Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Ngày 2/7, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) nhằm đánh giá hệ thống chính sách hiện hành, vai trò của CCN đối với phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố, từ đó đề xuất, kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ động tham mưu Chính phủ quản lý CCN trên phạm vi cả nước, về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển CCN thống nhất từ quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong CCN.
Đến nay, cả nước có 955 CCN với tổng diện tích gần 29.800ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong đó, 730 CCN đã có dự án thứ cấp trong CCN hoạt động, thu hút gần 13.500 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký trên 316.400 tỉ đồng, tỉ lệ lấp đầy bình quân 63%, tạo việc làm cho trên 580.500 lao động.
Đến hết năm 2020, có 58/63 địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp, quy chế quản lý CCN trên địa bàn, qua đó cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất trong CCN.
Theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 Phú Thọ có 28 CCN với tổng diện tích 1.100ha. Trong đó, có 21 CCN đã thành lập với tổng diện tích 1.076ha. Tổng số dự án đăng ký là 134 dự án với tổng số vốn đăng ký 6.500 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 14.500 lao động. Tỉ lệ lấp đầy của các CCN đạt trên 51%.
Toàn cảnh hội nghị
Trong quản lý, đầu tư phát triển CCN trên cả nước còn một số khó khăn như: Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN nhìn chung còn chậm do vướng mắc về thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc đầu tư xử lý nước thải, chất thải tại nhiều CCN chưa được quan tâm thực hiện; các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các CCN, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các doanh nghiệp thứ cấp vào CNN.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công thương kịp thời nắm bắt, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quản lý, phát triển CCN, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế... cho phù hợp; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển CCN tại các địa phương.
Đồng chí đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy CCN phát triển. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn, xử lý, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đồng thời thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN; thực hiện nghiêm túc việc chấm dứt tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở ngoài khu, CCN. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý CCN trên địa bàn, tăng cường vai trò của cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước về CCN tại địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong CCN.
Nguyễn Huế