Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch
PTo- Trong hoạt động du lịch, nếu hạ tầng cơ sở là yếu tố tiên quyết, quan trọng cần có thì một nguồn nhân lực chất lượng mới đủ điều kiện để phát triển ngành kinh tế không khói này.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch

PTo- Trong hoạt động du lịch, nếu hạ tầng cơ sở là yếu tố tiên quyết, quan trọng cần có thì một nguồn nhân lực chất lượng mới đủ điều kiện để phát triển ngành kinh tế không khói này. Nguồn nhân lực trong ngành du lịch bao gồm: Những người làm việc trong các cơ quan quản lý của ngành; những người trực tiếp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực du lịch; những người làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch, kinh doanh vận chuyển du khách, các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ bổ trợ cho ngành du lịch…

Trong mỗi lĩnh vực lại có rất nhiều vị trí khác nhau với các nhiệm vụ và chức năng khác nhau. Trong nguồn nhân lực hoạt động trực tiếp lại hình thành nên đội ngũ lao động chuyên nghiệp và đội ngũ lao động thời vụ. Cùng với lao động trực tiếp trong ngành du lịch còn có lao động gián tiếp. Chính từ nguồn nhân lực này sẽ hình thành nên đội ngũ những người biết tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc đáp ứng, thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau của du khách và tạo nên sức hấp dẫn cho các điểm đến. Như vậy để phát triển du lịch bền vững thì đầu tư cơ sở hạ tầng cùng với đào tạo nguồn nhân lực là hai yếu tố song song cần được chú trọng.

Những năm gần đây hoạt động du lịch trên địa bàn liên tục phát triển với một đội ngũ nhân viên ngày càng được mở rộng ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên một điều dễ nhận thấy là nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn trình độ chuyên môn phần lớn còn hạn chế. Với 13 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có nhiều đơn vị là chi nhánh của các công ty nằm ngoài địa bàn nên nhân lực ở các chi nhánh này thường không ổn định, chỉ mang tính thời vụ. Có mạng lưới 220 cơ sở kinh doanh lưu trú và khoảng 500 nhà hàng phục vụ ăn uống với trên 2000 lao động, phần lớn trong đó đều chưa qua đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ. Theo số liệu thống kê của ngành du lịch tỉnh, năm 2013 số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch của tỉnh là gần 3000 người. Trong đó lao động có trình độ trên đại học chiếm 0,25%; lao động trình độ đại học, cao đẳng chiếm 15%; 21% lao động tốt nghiệp trung cấp và sơ cấp nghề; 63,85% lao động chỉ qua được đào tạo tại chỗ và bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Sự hạn chế về nguồn nhân lực đã dẫn đến thực trạng ngay tại các khu, điểm du lịch lớn của tỉnh như Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu suối khoáng nóng Thanh Thủy... lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch cũng rất hạn chế với mặt bằng trình độ chuyên môn nhìn chung không cao.

Từ thực tế trên cho thấy vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trở thành một đòi hỏi bức thiết với giải pháp trọng tâm là công tác đào tạo. Những năm qua công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn được quan tâm chú trọng nhiều hơn và bước đầu đã có những bước tiến mới. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn đã mở thêm các chuyên ngành đào tạo về du lịch như: Chuyên ngành Du lịch của Trường Đại học Hùng Vương; chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì; các chuyên ngành chế biến món ăn, quản trị khách sạn của Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ; chuyên ngành Du lịch của trường TH Văn hóa, nghệ thuật Du lịch. Từ các cơ sở này, những năm qua đã có thêm hàng trăm sinh viên du lịch được đào tạo. Cùng với đó là các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ nhân viên quản lý, nhân viên phục vụ tại các khu, điểm kinh doanh dịch vụ du lịch. Tổ chức các buổi hội thảo, các hội nghị tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm du lịch như hướng dẫn viên, thuyết minh viên, cán bộ quản lý. Dù đã có nhiều cố gắng nhưng không thể phủ nhận việc tập trung đầu tư cho công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa thực sự tương xứng với yêu cầu. Các cơ sở đào tạo thiếu cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giảng viên giảng dạy về du lịch. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh du lịch cũng chưa coi trọng vấn đề nhân lực dẫn đến thiếu quan tâm công tác đào tạo đội ngũ nhân viên.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch trên địa bàn, cùng với việc mở rộng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch. Trước mắt cần đẩy mạnh công tác đào tạo lại nguồn nhân lực đang sử dụng trong ngành du lịch thông qua hình thức đào tạo tập trung hoặc đào tạo tại chỗ để “nâng cấp” kịp thời nguồn nhân lực hiện có. Nâng cao vai trò và mối liên hệ giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động trong ngành du lịch để nguồn cung lao động được được giải quyết đầy đủ, kịp thời và hiệu quả cho thị trường lao động. Và đặc biệt là cần hoàn thiện cơ chế chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch để thu hút thị trường lao động có trình độ chuyên môn như: Ưu đãi đối với lao động được đào tạo cao đẳng, đại học, trên đại học về du lịch; ưu đãi đối với lao động có kinh nghiệm trong ngành du lịch; cấp Bằng công nhận cho những doanh nghiệp có trên 60% số lao động được đào tạo bài bản về du lịch... Những chính sách phù hợp sẽ tạo động lực thu hút nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại thị trường du lịch đang phát triển trên mảnh đất giầu truyền thống, nhiều bản sắc và đậm đặc di tích của miền đất Tổ cội nguồn

Kim Thư