Hướng tới chính quyền số
baophutho.vn Thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử và đã có nhiều chuyển biến quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển chính quyền số. Với sự vào cuộc của các cấp, việc chuyển đổi số của tỉnh đang được tăng tốc trên hành trình hướng tới chính quyền số.

Hướng tới chính quyền số

Thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử và đã có nhiều chuyển biến quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển chính quyền số. Với sự vào cuộc của các cấp, việc chuyển đổi số của tỉnh đang được tăng tốc trên hành trình hướng tới chính quyền số.

Hướng tới chính quyền sốTrung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được trang bị hiện đại và đồng bộ về cơ sở vật chất, giúp rút ngắn quy trình xử lý, công khai, minh bạch quy trình giải quyết TTHC, được người dân, tổ chức và doanh nghiệp đánh giá cao.

Thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao

Từ năm 2019, việc xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh Phú Thọ được thực hiện quyết liệt, tổ chức thành hệ thống đồng bộ, liên thông, thống nhất. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước cũng có sự phát triển vượt bậc, được triển khai đồng bộ ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Tháng 6/2020, 100% các cơ quan nhà nước thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai với trên 300 điểm cầu. Đến tháng 9/2020, thực hiện liên thông hệ thống báo cáo Quốc gia với hệ thống báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã. Trung tâm Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ trong các cơ quan Nhà nước.

Từ tháng 8/2020, Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) ra đời, đánh dấu một bước ngoặt mới trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Nhờ đó, đã kết nối, tương tác giữa chính quyền và người dân trở nên thuận tiện, nhanh chóng. Anh Phạm Ngọc Hồng ở phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì cho biết: “Chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối với internet, tôi đã có thể cập nhật các tin tức trong và ngoài nước, nhất là diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, đồng thời tôi có thể tương tác, gửi các ý kiến, kiến nghị đến với cơ quan chức năng nhanh nhất...”. Cùng thời điểm, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn VNPT về viễn thông và công nghệ thông tin giai đoạn 2020- 2025. Ngay sau khi Trung tâm IOC hoạt động chính thức, các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị khai thác, áp dụng hiệu quả Trung tâm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, Công an tỉnh và thành phố Việt Trì tập trung khai thác những dịch vụ, tiện ích của Trung tâm IOC trong việc điều tiết, xử lý phạt nguội các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, vi phạm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc cập nhật số liệu trên các phần mềm một cách chính xác, kịp thời, đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác phân tích, chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Nắm bắt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch mang tính định hướng; văn bản chỉ đạo với các nhiệm vụ cụ thể về Chính quyền điện tử. Ngày 13/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TU về Đề án phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 - đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một chặng đường mới trong xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số tại địa phương. Đề án đã cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ để thực hiện. Ngày 17/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Giai đoạn 2021 - 2025, Phú Thọ xác định phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số nhằm chuyển đổi cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh. Định hướng đến năm 2030, Phú Thọ hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử từng bước xây dựng Chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn; triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ cho người dân.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Phát triển Chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển các hệ thống phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng hệ thống, hạ tầng số hướng tới Chính quyền số; xây dựng đô thị thông minh; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; nâng cao các chỉ số thành phần trong xếp hạng cấp tỉnh PCI, PAPI, PAR INDEX... Theo ông Trịnh Hùng Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, xây dựng Chính quyền điện tử tiến tới hướng đến Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025. Tại tỉnh Phú Thọ, phát triển Chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới Chính quyền số được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển.

Hướng tới chính quyền sốUBND xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa hướng dẫn người dân nộp thủ tục hành chính trực tuyến.

Những kết quả bước đầu

Mới đây nhất, theo Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 8/3/2022 của UBND tỉnh về công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2021. Theo đó, về mức độ hiện diện, 100% đơn vị cấp sở, cấp huyện và các xã thuộc các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Đoan Hùng (148/225 xã, phường, thị trấn có Trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang thuộc Cổng/trang thông tin điện tử cấp huyện, đạt tỉ lệ 65,77%, tăng 22,66% so với năm 2020) cung cấp các thông tin về cơ quan, đơn vị, chỉ đạo điều hành, thông tin tuyên truyền, văn bản pháp luật, dịch vụ công trực tuyến, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đầu tư và các thông tin tổ chức, hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Đây là kênh thông tin quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, theo dõi, giám sát, góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Đến nay, 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành (trừ văn bản mật theo quy định) với gần 1,1 triệu văn bản gửi nhận, tăng 32,57% với năm 2020. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chữ ký số phục vụ các giao dịch điện tử, đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cấp 5.376 chữ ký số của tổ chức, cá nhân. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối liên thông Cổng dịch vụ công Quốc gia. Có 647 thủ tục hành chính (TTHC) được đồng bộ trạng thái xử lý kết quả với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tăng 298 TTHC so với năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia TTHC...

Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị; UBND cấp xã, phường, thị trấn đã mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trên địa bàn tỉnh, hiện có trên 800 hồ sơ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện Thanh Sơn, Tam Nông, Tân Sơn. Hệ thống hội nghị trực tuyến đã được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan nhà nước. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đảm bảo kết nối liên thông từ tỉnh đến xã. 100% các cơ quan nhà nước triển khai gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định)...

Đến nay, việc xây dựng Chính quyền điện tử liên thông, đồng bộ, thống nhất ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), “Hiện đại hóa nền hành chính” trong xếp hạng cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh được cải thiện. Chính quyền điện tử đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có thêm nhiều cơ hội thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, nhất là trong giải quyết TTHC. Nhờ đó, đã tiết kiệm chi phí về thời gian, công sức, của cải vật chất cho cả cơ quan nhà nước và tổ chức, người dân. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Chính quyền điện tử đã hỗ trợ quan trọng để không làm gián đoạn các hoạt động chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; đồng thời, hạn chế việc lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các kết quả đó có được là do sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh với những chỉ đạo quyết liệt trong thời gian gần đây.

Phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số là nhiệm vụ chưa có tiền lệ. Trên cơ sở những kết quả đạt được, với quyết tâm chính trị cao, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ ở các cấp, các ngành, đơn vị. Toàn tỉnh bám sát mục tiêu chung, kiên trì, bền bỉ, tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm, nhằm xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số như đã đề ra.

Ngọc Lam

Ngọc Lam