PTO- Dân tộc Việt vốn có truyền thống yêu thương, chăm sóc, bảo vệ trẻ em - thế hệ tương lai, lớp người kế tục sự nghiệp cũng như ước mơ, hoài bão của cha ông. Cách đây 26 năm, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở chấu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Phải khẳng định nỗ lực thể hiện trách nhiệm, tình cảm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và đặc biệt là gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhiều năm nay đã phát huy hiệu quả tích cực. Các quyền lợi cơ bản của trẻ em được đảm bảo trên cơ sở “những gì tốt đẹp nhất” giúp các em phát triển hoàn thiện về thể chất, tinh thần, có tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, cũng do quan niệm trọng tình, “thương cho roi cho vọt”, mà quyền lợi của trẻ em nhiều khi bị xâm phạm, hay nói cách khác, do thể hiện tình thương không đúng cách mà vô tình các bậc phụ huynh đã có hành động bạo hành với chính con em mình.
Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tụê. Như vậy, chưa nói đến những hành vi vi phạm pháp luật như bạo lực, dâm ô, ngược đãi, hành hạ trẻ em của những kẻ mất nhân tính, việc dùng đòn roi dạy dỗ trẻ em của nhiều người cũng là biểu hiện của hành vi bạo hành. Và biện hộ cho hành động của mình luôn được họ nhắc đến câu cổ ngữ “thương cho roi cho vọt”.!
Hệ lụy từ việc lạm dụng đòn roi, bạo hành trẻ em rất nặng nề. Đau đớn trên da thịt có thể nhanh lành nhưng tổn thương về tinh thần sẽ đeo đẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, hành vi ứng xử trong cuộc sống sau này của trẻ em. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lớn tội phạm liên quan đến bạo lực có tuổi thơ bị bạo hành. Chuyện có ông Tiến sỹ thành đạt dùng roi đánh con trai. Thằng bé khóc, nói sao bố đánh con đau thế? Ông Tiến sỹ nghẹn ngào nói nếu ngày xưa ông nội con không bận đi kháng chiến mà ở nhà cho bố mấy trận đòn như thế này thì chắc bố đã học giỏi hơn và giờ đã làm được nhiều việc hơn…Và tôi cũng chứng kiến ánh mắt uất ức, thái độ lạnh nhạt luôn lẩn tránh bố của cậu bé nhà hàng xóm. Bố cậu công tác ở tỉnh xa, vài tháng mới có dịp về thăm nhà. Và việc ưu tiên đầu tiên của anh trong những ngày nghỉ là kiểm tra việc học và “dạy” con học bằng roi. Thằng bé bị điểm kém phải “xơi” roi đã đành, được điểm khá, tốt cũng bị lôi ra đánh với lời “động viên” phải cố giỏi nữa, đứng đầu lớp, được giải cao…Chẳng ai phủ nhận tình thương, sự quan tâm của anh với con, nhưng rõ ràng cách thể hiện của đòn roi của anh đã phản tác dụng và chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy khôn lường.
Thời nào cũng vậy, cốt lõi của tình thương yêu trẻ là làm cho chúng trở thành những con người có ích cho xã hội; phải trải qua sự rèn luyện, biết hy sinh những ham muốn tầm thường và phải chịu đựng gian khổ. Trong khi đặc điểm lớn nhất của trẻ em là bản năng mạnh hơn lý trí và nhận thức. Trẻ em chưa thể tự biết những gì cần cho cuộc sống khi trưởng thành, đang sống theo bản năng thích vui chơi, thích được nuông chiều, muốn gì làm nấy…. Nếu những bản năng ấy phát triển hoàn toàn tự nhiên, không có sự kiểm soát, hướng dẫn và đào tạo thì con người lớn lên sẽ thiếu những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống xã hội.
Cổ nhân đã rất tinh tế khi dạy “thương cho roi cho vọt” với hàm ý ban tặng những gì tốt đẹp cho người thương yêu, biện pháp giúp trẻ thắng được một số sự cám dỗ của bản năng, buộc phải tiếp thu những kiến thức và những kỹ năng cần thiết để thích nghi với cuộc sống cộng đồng. Khi nào thực sự biết yêu thương và hiểu biết sâu sắc về tâm, sinh lý con trẻ thì người ta mới biết lúc nào cần “cho roi” và cho như thế nào là vừa đủ để giúp trẻ thắng được những ham muốn của bản năng, tách khỏi những cám dỗ không lành mạnh, trở về với những nhận thức đúng đắn và hành vi tốt đẹp - đó là sự “cho roi cho vọt” nhân văn thể hiện trí tuệ, tình thương yêu mà phải đến khi trưởng thành người ta mới cảm nhận được đó là món quà vô giá… Tuy nhiên, ranh giới giữa sự thương yêu và trừng phạt của việc dùng roi là rất mong manh và rất khó phân biệt thế nào là thương, thế nào là ghét, mà chỉ có “người cầm roi” mới cảm nhận được.
Hà Phương