Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu kết luận hội nghị
Tại điểm cầu Phú Thọ, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh dự và chủ trì.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong sáu tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cùng 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.
Đã tiếp nhận tổng số 1.014.473.517 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân.
Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; thời gian chờ đợi; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”..., giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỉ đồng.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc (trong vòng sáu tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị) so với thời gian để các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự.
Tính đến hết ngày 30/6, đã có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Về hạ tầng số, đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ trong sáu tháng đầu năm. Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ tất yếu thúc đẩy tăng trưởng quốc gia, thực hiện CNH, HĐH đất nước. Vấn đề đặt ra ta là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Thủ tướng yêu cầu tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên: Phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; phát triển các nền tảng số; đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin. Để làm được điều này người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm, quyết liệt, đột phá hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số; quan tâm đầu tư nguồn lực cả về tài chính, cơ sở vật chất và con người; quan tâm cải cách thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong thực hiện chuyển đổi số.
Toàn cảnh hội nghị từ điểm cầu Phú Thọ
Đối với Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể để người dân được hưởng thụ lợi ích và tích cực tham gia vào quá trình này. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát các quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trong các dịch vụ công. Nhấn mạnh năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Tại Phú Thọ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong sáu tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến nay, hệ thống cung cấp 1.991 TTHC; trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 33,5%; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt trên 71%, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc cấp thẻ căn cước cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 789 nghìn tài khoản định danh điện tử, đạt 94% so với yêu cầu. Xếp hạng về chuyển đổi số cấp tỉnh, Phú Thọ xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố; nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số trên cả nước.
Ngay sau hội nghị trực tuyến toàn quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh sáu tháng cuối năm.
Đồng thời đồng chí yêu cầu: Với lượng công việc lớn và khó, các sở, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Về xây dựng chính quyền số, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; thực hiện rà soát, đơn giản hóa, chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC. Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; đảm bảo 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa, lưu trữ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cở sở dữ liệu của tỉnh, bao gồm: Cơ sở dữ liệu dân cư; cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu hộ tịch; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về phát triển Kinh tế số và xã hội số, cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các giải pháp chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh. Đối với Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân để khai thác tối đa các tiện ích trong các dịch vụ hành chính công.
Thanh Trà