Mô hình trồng bưởi của ĐVTN Hà Huy Toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
PTĐT - Đẩy mạnh phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, Đoàn xã Vân Đồn (Đoan Hùng) chú trọng đến việc thành lập CLB, nhóm thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động sinh hoạt, trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ về vốn... CLB giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.
Sau 10 năm thành lập và hoạt động, CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế xã Vân Đồn đã mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt. Với 20 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có gần 34 ĐVTN tham gia; hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau; trong đó tập trung vào phát triển nhóm đối tượng thanh niên trong độ tuổi đoàn nhưng đã xây dựng gia đình.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, các thành viên thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh của từng cá nhân trong hoạt động chung. Nét nổi bật của CLB là hoạt động tạo nguồn vốn vay và định hướng giúp các thành viên sử dụng đúng mục đích. CLB đã vận động mỗi hội viên đóng góp 400 nghìn đồng vào quỹ chung, cho các thành viên của CLB vay xoay vòng theo từng năm với lãi suất ưu đãi. Các cơ sở sản xuất của hội viên CLB đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 - 40 lao động trẻ trong xã với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như các hội viên: Trần Huy Toàn, trồng 200 gốc bưởi trên diện tích 0,5ha kết hợp với chăn nuôi gần 1.000 con gà thịt và gà chọi; xưởng cơ khí của anh Nguyễn Duy Ca (chi đoàn 8), hoạt động từ năm 2011, đến nay luôn duy trì 3-4 thợ là thanh niên với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng…
Không chỉ giúp đỡ ĐVTN vơi bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, CLB còn là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương; cũng phối hợp với các hội, đoàn thể mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và nhân dân; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế tiêu biểu ở các nơi khác để áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh. Anh Thẩm Bá Tiến, thành viên CLB cho biết: “Bước đầu lập nghiệp bằng việc phát triển mô hình kinh tế trang trại, tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm chăn nuôi, song nhờ tham gia CLB của đoàn xã, được vay vốn, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các ĐVTN, tôi đã tích lũy thêm được những kiến thức, mạnh dạn đầu tư trồng trên 300 gốc bưởi, chanh, quất cùng với chăn nuôi lợn. Bước đầu, mô hình kinh tế của gia đình tôi đã cho thu lãi từ 150-200 triệu đồng/năm. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng làm giàu trên đồng đất quê hương”.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn - Bí thư đoàn xã chia sẻ: Thời gian qua, mô hình CLB, nhóm thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế của ĐVTN đã có nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương. CLB, nhóm cũng tạo niềm tin, góp phần giúp đoàn cơ sở thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn.
Thời gian tới, đoàn xã sẽ tiếp tục phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ĐVTN; nhân rộng những mô hình CLB, nhóm hiệu quả.
Thanh Nga