PTO- Thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTG ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai”, hơn một năm qua hồ sơ và cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy vậy, tiến độ thực hiện cấp GCN ở nhiều địa phương, một số loại đất kết quả còn khiêm tốn, phải tập trung cao độ mới đạt mục tiêu đề ra theo Chỉ thị 05/CT-TTg, ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng hợp từ các huyện, thành, thị đến quý III năm 2012 cả tỉnh đã cấp được 620.144 GCN quyền sử dụng đất cho 5.728 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và 614.416 hộ với tổng số 199.587,54 ha, đạt gần 80% số diện tích yêu cầu phải cấp GCN. Trong đó, đất nông nghiệp đạt 83%, đất lâm nghiệp đạt 78%, đất nuôi trồng thuỷ sản đạt 41%, đất ở nông thôn đạt 92%, đất ở đô thị đạt 88%, đất chuyên dùng đạt 48% (trong số này đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp đạt 84%). So với tình hình chung của cả nước, công tác cấp GCN của tỉnh đạt kết quả khá, song hiện vẫn còn một số huyện như: Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thuỷ tỷ lệ cấp GCN còn đạt thấp. Đặc biệt các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, Tam Nông, Thanh Thuỷ và TP ViệtTrì việc triển khai dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN không đảm bảo kế hoạch, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng hồ sơ địa chính, dữ liệu đất đai, tác động tới quản lý đất đai và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi đất đai…
Có tình trạng này do chính quyền một số huyện và xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai kế hoạch, thiếu biện pháp cụ thể dẫn đến việc phối hợp giữa các xã, thị trấn với huyện, giữa các ngành trong huyện chưa chặt chẽ; đất đai ở địa phương thường xuyên biến động do dồn đổi, mua bán, chuyển mục đích… qua nhiều thời kỳ lịch sử làm cho hệ thống dữ liệu đã thiếu lại không cập nhật kịp thời nên gây khó khăn cho công tác quản lý; đội ngũ cán bộ làm công quản lý, đo đạc, cấp GCN còn thiếu và yếu về chuyên môn, một bộ phận còn có biểu hiện sách nhiễu, gây khó khăn ảnh hưởng đến việc cấp đổi GCN; ý thức chấp hành Luật Đất đai của một bộ phận dân cư còn hạn chế chưa chú tâm và hợp tác để thực hiện công việc cấp giấy; kinh phí cho hoạt động đo đạc, kiểm tra để cấp giấy còn khó khăn. Trong những năm qua ngân sách bố trí cho hoạt động đo đạc, thống kê, theo dõi biến động phục vụ cấp GCN lần đầu hạn chế, nhiều huyện miền núi nguồn thu từ đất rất thấp, lại thiếu kế hoạch điều tiết giành cho hoạt động quản lý đất đai, huy động đóng góp của người dân hạn chế cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Theo Chỉ thị 1474 và gần đây nhất là Chỉ thị 05 ngày 04/4/2013 của Chính phủ phấn đấu trong năm 2013 cơ bản hoàn thành cấp GCN đất, với khối lượng công việc còn lại của tỉnh còn khá nhiều, lại tập trung ở những vùng, những loại đất khó khăn, thời gian tới phải rất quyết liệt mới đạt được mục tiêu. Theo tổng hợp các loại đất cấp giấy cho thấy nhiều loại số đã cấp đạt thấp như: Tổng số nhóm đất nông nghiệp có trên 232.725 ngàn ha, đến nay đã cấp đạt gần 80%, trong đó đất lâm nghiệp mới đạt trên 78%, diện tích được cấp GCN còn gần 30 ngàn ha chưa được cấp GCN, đặc biệt đất nuôi trồng thủy sản mới cấp đạt 41%, còn trên 1.500ha. Nhóm đất phi nông nghiệp tỷ lệ chung cấp đạt trên 69% nhưng trong đó đất chuyên dùng mới đạt 49%...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp GCN quyền sử dụng đất, thời gian còn lại của năm nay các địa phương và các ngành tập trung thực hiện một số giải pháp:
Xác định công tác cấp GCN là nhiệm vụ quan trọng, các địa phương tăng cường tập trung lãnh đạo, bố trí nhân lực để thực hiện. Theo đó từ huyện đến cơ sở rà soát lại tình hình cấp GCN, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ sở và xác định thời điểm phải hoàn thành. Cùng với tập trung bố trí nhân lực, kinh phí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nhiều người nắm bắt thông tin, tự giác tham gia. Những địa phương còn tồn đọng nhiều cần có hình thức triển khai, mở chiến dịch tập trung để làm dứt điểm; những xã khó khăn, huyện bổ sung, tăng cường nhân lực, hỗ trợ ngân sách… để phấn đấu cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Đồng thời quan tâm nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở và lực lượng nhân viên thuộc hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Từ nay đến cuối năm thời gian còn lại không còn nhiều, những địa phương thực hiện cấp GCN đạt kết quả thấp cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, mở chiến dịch, có kế hoạch phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ sở để giải quyết khó khăn, đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, trách nhiệm, hạn chế tiêu cực, tạo cơ hội tốt để đẩy nhanh tiến độ. Thời gian qua do khó khăn về tài chính, ngân sách và biến động đất đai nảy sinh nhiều khó khăn cho cấp GCN, do vậy Chính phủ đã có chủ trương bố trí ngân sách từ nguồn đấu giá đất và nguồn khác để tháo gỡ. Trong thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường cần phối hợp chặt chẽ với một số ngành chức năng khác để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đề xuất giải pháp, chính sách thúc đẩy chương trình đạt kết quả như Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ sở tốt để thực hiện Luật Đất đai mới sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH,HĐH đất nước.
Quốc Vượng