PTĐT- Sáng 12-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.
Đa số các ý kiến cho rằng Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 do Chính phủ trình về cơ bản đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn; thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách Nhà nước năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cũng như nhiều vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Qua quyết toán cho thấy, mặc dù quản lý ngân sách Nhà nước đã có nhiều tiến bộ, song việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại xảy ra ở nhiều bộ, ngành và địa phương; việc chấp hành dự toán còn lỏng lẻo, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, kể cả thu, chi và quản lý bội chi, quản lý nợ công và nổi lên là khâu quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thất thoát, lãng phí, nợ đọng vẫn còn. Nhiều đại biểu cho rằng, chi cho sự nghiệp giáo dục, y tế đạt thấp, theo báo cáo chỉ đạt từ 91% - 97% dự toán. Lo lắng khi bội chi tăng dẫn tới nợ công tăng nhanh, các đại biểu yêu cầu kỷ luật tài chính phải được thực hiện nghiêm.
Tham gia phát biểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: Nhiều năm quyết toán chưa phản ánh đúng số thu ngân sách, làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo dự toán không phải là theo số thực tế phải hoàn. Những năm gần đây Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa triệt để do không thể dự toán chính xác tuyệt đối số hoàn thuế. Vì vậy, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ cần đổi mới công tác quyết toán thu.
Đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế: Có thể nhận thấy, nhiều năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu ngân sách luôn luôn vượt dự toán. Thực trạng này thể hiện thu ngân sách Nhà nước có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế mà do Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu như khai thác thêm tài nguyên dầu thô, đôn đốc để tăng thêm các khoản thu từ đất, thoái vốn Nhà nước, thu nợ đọng thuế...
Đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ vì cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững; để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi cho khả năng của nền kinh tế và vay theo khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, đất đai, tài nguyên, dầu thô là "của để dành" có giới hạn và cần giữ mức khai thác hợp lý, nhất là khi không được giá.
Đề cập vấn đề cân đối ngân sách an toàn nợ công, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng: Hàng năm Quốc hội đều khống chế 2 chỉ tiêu là mức bội chi và tỷ lệ bội chi. Các nghị quyết về tài chính ngân sách 5 năm, 10 năm của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và của Quốc hội chỉ yêu cầu một chỉ tiêu quản lý là bội chi nợ công theo tỷ lệ %/GDP nên trong điều hành Chính phủ cũng phải hướng tới mục tiêu này, quản lý cả mức và tỷ lệ bội chi, nợ công.
Năm 2017 và các năm sau dư địa điều hành nợ công chỉ còn 1,3%/GDP nên chỉ cần nới lỏng kiểm soát bội chi hoặc GDP không đạt thì nợ công sẽ vượt trần. Không thể phủ nhận Chính phủ đã có những bước đi quyết liệt để thay đổi tình hình nợ công và bội chi ngân sách. Tuy nhiên, việc tăng nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài và kéo dài thời hạn vay trái phiếu hoặc vay đảo nợ... thì giảm được áp lực trả nợ trong ngắn hạn, quy mô nợ, số nợ phải trả vẫn đang tăng nhanh, đồng thời tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thoát mô hình tăng trưởng cũ. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng dựa vào vốn và tài nguyên nên sẽ không bền vững và tích lũy của nền kinh tế ít, nguồn thu ngân sách sẽ bị bó hẹp cho trung hạn.
Vì vậy, rất khó để kiểm soát bội chi và an toàn nợ công, khó đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Phấn đấu tăng trưởng ở mức cao là cần thiết, đó là ý chí quyết tâm của Đảng và Nhà nước để đưa đất nước phát triển. Nhưng điều hành ngân sách lại khác, thu, chi ngân sách, vay trả nợ bằng tiền thật, không thể thả nổi cho số phấn đấu là GDP. Vì vậy, điều hành ngân sách phải có dự phòng để khi GDP không đạt thì cắt giảm vay nhằm khống chế bội chi nợ công cả số tương đối và số tuyệt đối.
Buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trước khi các đại biểu tham gia thảo luận.
Là người đăng đàn đầu tiên tại phiên thảo luận, đại biểu Cao Đình Thưởng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong điều kiện hiện nay để có căn cứ pháp lý đủ mạnh, việc phải ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu rất cần thiết. Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo điều kiện tháo gỡ căn bản các vướng mắc, khó khăn liên quan để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, khả thi.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Cao Đình Thưởng nhất trí với phạm vi điều chỉnh được thể hiện tại Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết này quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ; quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về thời hạn áp dụng nghị quyết, nhất trí với thời hạn hiệu lực là 5 năm, đại biểu cho rằng, thời hạn này là đủ để Nghị quyết phát huy tác dụng trong việc tổ chức thực hiện.
Có hay không việc miễn trách nhiệm gây ra nợ xấu, đây cũng là nỗi băn khoăn của cử tri. Đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ cần phải giải thích rõ hoặc cần có một nội dung quy định trong Nghị quyết này để khẳng định “không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu cho dù nợ xấu đã được xử lý”.
Bên cạnh các tác động tích cực của Nghị quyết, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, không thể xóa bỏ hoàn toàn nợ xấu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nhưng với trách nhiệm của ngành ngân hàng, hệ thống phải có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát được nợ xấu ở mức độ có thể chấp nhận được; tranh thủ điều kiện thuận lợi để xử lý dứt điểm “cục máu đông” đã tích tụ đồng thời phải tích cực có biện pháp hiệu quả qua công tác thẩm định, thanh tra, giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống để kiềm chế nợ xấu, không để nợ xấu phát sinh vượt tầm kiểm soát.
Khổng Thủy (CTV)