Kết quả quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh
PTO- Hiện nay, hệ thống chính sách về đất đai ngày càng được hoàn thiện làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, song đây cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện.

Kết quả quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh

PTO- Hiện nay, hệ thống chính sách về đất đai ngày càng được hoàn thiện làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, song đây cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành nội dung Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác kiểm kê đất trên địa bàn, đồng thời điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2010 và xây dựng kế hoạch SDĐ giai đoạn 2006-2010. Hiện tại, đã có 11/13 huyện, thành, thị lập được quy hoạch SDĐ đến năm 2010 theo quy định của UBND tỉnh. Riêng thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ do quy hoạch chung mới được phê duyệt nên triển khai muộn đã có 256 xã, phường, thị trấn lập quy hoạch SDĐ, còn lại 19 xã, phường mới thành lập chưa lập quy hoạch xây dựng. Trong công tác giao đất, thu hồi đất, toàn ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã thẩm định 390 hồ sơ với tổng diện tích trên 2.188 ha, trong đó thu hồi 19 dự án của các tổ chức vi phạm và không co nhu cầu sử dụng đất với hơn 32 ha; chấp thuận địa điểm cho 99 dự án với 222 ha; thuê đất, giao đất vào mục đích sản xuất kinh doanh cho 113 dự án với trên 1.000 ha...

Sau khi thực hiện Luật đất đai năm 2003, toàn tỉnh đã cấp 249.956 giấy với 75.946 ha đất nông nghiệp đạt hơn 80% so với diện tích cần cấp giấy theo hiện trạng. Đất lâm nghiệp đã cấp 28.429 giấy với diện tích 109.841 ha. Đất ở tại nông thôn đã cấp 223.469 giấy với 6.915 ha đạt trên 88%; đất ở đô thị đã cấp 46.997 giấy với hơn 853 ha đạt hơn 80% so với diện tích cần cấp giấy theo hiện trạng và đạt trên 95% so với số hộ cần cấp. Đối với đất chuyên dùng đã cấp 1.165 giấy với 2.251ha đạt 25%. Hiện đã có 244 xã, phường, thị trấn đã có hồ sơ lưu đủ ở 3 cấp về lập hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai. Các địa phương tiếp tục hoàn thiện các bước về đánh giá, phân hạng đất; thực hiện đánh giá kết quả 3 năm thực hiện NQ 18 của BTV Tỉnh uỷ về dồn, đổi ruộng đất nông nghiệp; xây dựng phương án dồn đổi đất đồi rừng trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, trong thời gian qua công tác quản lý đất đai của các địa phương đã có những chuyển biến tích cực song còn bộc nhiều tồn tại như việc điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2010 và lập kế hoạch SDĐ 5 năm (giai đoạn 2006-2010) của các huyện, thành, thị. Công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các tổ chức, đơn vị hành chính sự nghiệp; việc kiểm kê quỹ đất của các tổ chức theo chỉ thị 31 thực hiện còn chậm; việc chỉnh lý biến động đất đai ở các cấp chưa kịp thời... Những hạn chế này cho thấy, lĩnh vực đất đai phải tập trung thực hiện nhiều việc quan trọng trong kế hoạch cũng như phát sinh. Ở các cấp huyện cũng chưa thành lập được văn phòng đăng ký QSDĐ; lực lượng các bộ chuyên môn còn mỏng và chưa đáp ứng kinh phí để thực hiện.

Công tác quản lý và sử dụng đất đai là một trong 6 lĩnh vực trọng tâm của ngành TN & MT, đây là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu đảm bảo bền vững, thời gian tới, toàn ngành tiếp tục tăng cường, củng cố công tác quản lý đất đai ở các cấp; đảm bảo về kinh phí, nâng cao hoạt động kiểm tra, đôn đốc. Nhất là củng cố về tổ chức, bộ máy quản lý đất đai các cấp để đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới. C.A