PTO- Không còn là lời cảnh báo vời xa, biến đổi khí hậu đã và đang trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân trên địa bàn. Những đợt nắng nóng kéo dài, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, mưa đá, rét hại, sương muối… xảy ra với tần suất và mức độ nguy hiểm ngày càng tăng không chỉ đe dọa tính mạng, sức khỏe con người mà còn tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Trong khi chưa tìm được tiếng nói, hành động chung của toàn nhân loại để xử lý hiệu quả thảm họa này, chung sống cùng biến đổi khí hậu, thiên tai được xem như biện pháp căn cơ giúp con người thích nghi, tồn tại, giảm thiểu các thiệt hại từ “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên…
![]() |
Học sinh xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn đến trường trong ngày mưa lũ |
Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên trái đất và tác động trực tiếp đời sống hàng ngày của con người với các hệ lụy nghiêm trọng: Các hệ sinh thái bị phá hủy; mất đa dạng sinh học; dịch bệnh; hạn hán; bão lụt; những đợt nắng nóng gay gắt; các tác hại đến kinh tế; chiến tranh và xung đột.
Theo Chỉ số rủi ro về khí hậu được tổ chức Germanwatch công bố trong nghiên cứu về thiên tai trên thế giới, mười nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai đều là các nước đang phát triển. Trong đó, Việt Nam là nước đứng thứ năm về thiệt hại do thiên tai, với trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong và thiệt hại về GDP (PPP) bình quân hàng năm là 1,9 tỷ đôla Mỹ - tương đương với 1,3% GDP.
Trên địa bàn tỉnh ta, những năm gần đây biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp với mức độ lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư, tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ năm 2000 đến nay, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Nắng nóng, rét đậm, rét hại kéo dài không theo quy luật; đã có hơn 30 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh; 23 trận lũ quét, nhiều đợt giông, lốc, mưa lớn, mưa đá cục bộ gây thiệt hại lớn về người, tài sản và các hoạt động kinh tế - xã hội. Sản xuất lương thực bị thiệt hại với mức độ ngày càng lớn. Thiên tai đã làm gần 70.000ha lúa, màu bị thiệt hại; 624 công trình thủy lợi bị hư hỏng; hơn 150.000 kênh mương bị vỡ; nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ gẫy. Thời tiết diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại lớn cho hoạt động chăn nuôi. Toàn tỉnh đã xảy ra 150 ổ dịch bệnh, phải tiêu hủy 148.642 gia cầm do dịch cúm, 1.567 gia súc do dịch lở mồm long móng, tai xanh, tả lợn. Hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng do giông lốc, mưa lũ gây sạt lở đất rừng, gãy đổ cây dẫn đến suy giảm diện tích. Nền nhiệt tăng và khô hạn gia tăng đã gây nên hiện tượng cháy rừng thường xuyên xuất hiện dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một số loài động thực vật. Sâu bệnh phát triển trên cây rừng với mức độ lớn cũng gây nên thiệt hại đáng kể. Trực tiếp ảnh hưởng đến giao thông vận tải, thủy lợi, xây dựng, năng lượng… từ năm 2000 đến nay, thiên tai, lũ, bão, giông lốc đã làm đổ, trôi và hư hỏng gần 22.000 ngôi nhà; hư hỏng hơn 1.300 trường học, trạm y tế; đổ gần 1.400 cột điện; khoảng 100km đê bị vỡ và sạt lở; 6.700.000m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở; 500 cầu cống các loại bị hư hỏng… Tổng giá trị thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường đã và đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Không chỉ là thương vong trực tiếp do mưa lốc, lũ quét, sạt lở đất, sét đánh…, nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại cùng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đã khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên người xuất hiện, giảm sức đề kháng cơ thể. Thời điểm giao mùa, thời tiết khắc nghiệt, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đáng kể và tỷ lệ người tử vong do sức đề kháng kém cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nhiều năm nay, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, hữu hiệu như: Tập trung nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương, ban, ngành, đoàn thể; chú trọng đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai; xác định các khu vực nguy hiểm; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; xây dựng năng lực tự phòng ngừa thiên tai…
Tuy nhiên, vấn nạn biến đổi khí hậu có nguyên nhân chính là từ các hoạt động tàn phá môi trường sống của con người, vẫn biết vấn nạn mang tính toàn cầu không thể giải quyết triệt để bởi một tổ chức, quốc gia mà cần sự đồng thuận của toàn nhân loại, cùng với các hoạt động giảm thiểu thiệt hại, mỗi cá nhân, tổ chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường sống. Công việc lớn chỉ có thể thành công khi có sự góp sức tích cực từ mỗi cá nhân đơn lẻ…
Hà Phương