Lọt thỏm giữa những dãy núi sừng sững bao bọc tứ phía, thung lũng Cọ Sơn, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn có địa thế tương đối bằng phẳng, những thửa ruộng đẹp như tranh vẽ rất hiếm gặp nơi vùng cao. Cũng bởi địa thế đặc biệt này mà bình mình nơi đây dường như luôn muộn hơn vùng ngoài, đầu Xuân, ngoài bảy giờ mặt trời mới vượt qua bóng núi xanh thẫm, xuyên qua làn sương lãng đãng rọi xuống bản Mường trù phú, thanh bình…
Diện mạo mới Khu Cọ Sơn 1.
Biệt thự trên núi
Vẫn dốc cheo leo, bên núi cao ngất, bên vực sâu hun húi lòa xòa cây dại nhưng bản cao đã không còn xa, đường vào Cọ Sơn giờ bê tông trải bằng phẳng, hai xe ô tô thoải mái tránh nhau, khoảng cách năm cây số trước là trở ngại lớn cho bà con dân bản giờ chỉ còn hơn mười lăm phút vặn ga, bẻ lái. Có đường giao thông, điện lưới quốc gia thắp sáng từng nhà, cuộc sống của bà con chuyển biến nhanh chóng đến bất ngờ. Chưa đầy một thập niên mà xóm bản heo hút với những mái lá bạc phếch nép mình bên bìa rừng, ven suối giờ đã dần mang diện mạo sầm uất, khang trang. Nhà cao tầng, kiến trúc cầu kỳ như phố thị xuất hiện ngày càng nhiều. Cửa hàng cửa hiệu đầy đủ các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, xe tải, máy xúc xếp thành hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu thi công xây dựng, vận chuyển nông lâm sản. Điểm trường mầm non, tiểu học được đầu tư xây dựng khang trang, ríu ran tiếng cười nói của trẻ nhỏ ngày hai buổi cắp sách đi về. Bản Mường đã thực sự khởi sắc, vươn mình trong diện mạo mới.
Địa bàn rộng, Cọ Sơn được chia tách làm hai khu dân cư: Cọ Sơn 1 và Cọ Sơn 2. Tuy nhiên, với bà con dân bản, việc chia tách chỉ mang ý nghĩa về mặt quản lý hành chính Nhà nước. Bao năm nay, người dân trong khu vẫn sống gần gũi, tình cảm như người một nhà, học sinh chung trường chung lớp, lúa cấy cùng đồng, rừng trồng cùng đồi, người già về với tổ tiên nằm chung nghĩa địa…
70% người dân Cọ Sơn 1 đã xây được nhà khang trang, kiên cố.
Sinh năm 1986 nhưng anh Hoàng Văn Toán đã có thâm niên 13 năm làm Trưởng khu hành chính Cọ Sơn 1, đây cũng là quãng thời gian cuộc sống bà con dân bản có sự chuyển mình mạnh mẽ nhất trong suốt mấy thập niên kể từ khi gia đình người Mường đầu tiên hạ sơn về san đất dựng nhà, vỡ đất cấy lúa nước. Theo lời giới thiệu của anh thì thung lũng hiện có hơn 250 nóc nhà, trong đó, Cọ Sơn 1 hiện có 136 hộ với hơn 600 nhân khẩu đang sinh sống. Bao đời nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thuần túy. Đồng ruộng tuy bằng phẳng nhưng chỉ có 17,8 ha, đất cũng chẳng mấy màu mỡ nên dẫu thay đổi giống lúa, chú tâm chăm sóc đến đâu lương thực hai vụ mỗi năm cũng chỉ tạm đủ ăn, lác đác vẫn có hộ ruộng đất ít, phải ăn đong. Núi rừng bạt ngàn nhưng phần lớn diện tích thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ, đất của lâm trường, Cọ Sơn 1 chỉ có 72 ha đất lâm nghiệp quy chủ. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có đất trồng rừng, hộ nhiều nhất là ông Đinh Công Hùng được giao gần 20 ha, những hộ mới tách sau này không có đất lâm nghiệp, sống dựa cả vào khoảnh ruộng khoán. Vậy nên trong suốt thời gian dài, đói nghèo luôn đeo bám cuộc sống bà con dân bản. Chục năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo của Cọ Sơn luôn chiếm trên 70%, đứng trong tốp đầu của tỉnh. Khi gánh nặng cơm áo thường nhật vẫn đè nặng trên vai thì mọi nhu cầu khác đều xếp xuống hàng thứ yếu, kể cả việc chăm sóc sức khỏe hay học tập của con em. Người đau ốm không được cứu chữa kịp thời, nhiều trẻ em còn không được học mầm non, tiểu học, hãn hữu lắm mới có cháu được bố mẹ đưa xuống xã cho theo học THCS nhưng số lượng cũng rơi rụng dần theo từng năm … Có thời điểm, nhiều năm liền, cả khu không có học sinh theo học THPT. Thế rồi đường giao thông được đầu tư, nông sản có giá trị cao hơn hẳn, hàng hóa nhu yếu phẩm cũng được đưa về tận nơi, người Cọ Sơn ra ngoài tìm việc ngày một nhiều. Cứ người nọ mách bảo, kéo theo người kia, đến giờ phần lớn lao động của khu đã rời quê xuống Hà Nội và các tỉnh thành lân cận làm thuê. Tùy theo công việc, người đi dăm ba tháng, người biền biệt cả năm, giáp Tết mới về qua nhà mấy bữa. Phần lớn thời gian trong năm, các gia đình ở Cọ Sơn chỉ có người già, trẻ nhỏ.
Tâm tư ngày mới
Mới xây xong phần thô căn nhà hai tầng, mái Thái còn để trống chờ lợp ngói, ông Đinh Văn Lái trầm ngâm: “Cũng bỏ vào đây 500-600 triệu đồng rồi đấy. Trời cho khỏe mạnh, cuối năm nay tôi sẽ hoàn thiện, rồi sẽ tích cóp mua các vật dụng sinh hoạt sau…”. Gần chục năm nay, hai vợ chồng ông để lại nhà cửa, con cái cho ông bà nội chăm sóc để xuống Hà Nội làm thợ nề. Mỗi tháng, nếu công việc thuận lợi, trừ chi phí ăn ở, vợ chồng cũng bỏ ra được hơn chục triệu đồng, số tiền mà ở nhà có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Thế nên phần lớn thời gian trong năm ông bà sống xa nhà, mỗi năm chỉ cố tranh thủ về nhà được mấy buổi. Năm nay, ăn Tết xong, ông bà đã tất bật cấy xong ba sào ruộng, chuẩn bị hành lý để bắt xe về xuôi.
Cũng như gia đình ông Lái, xa quê, công việc nặng nhọc, vất vả nhưng bù lại thu nhập của những người dân Cọ Sơn đi làm thuê cao hơn hẳn làm ruộng. Cuộc sống nhờ đó cũng được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Những ngôi nhà lá lụp xụp dần được thay thế bằng những căn hộ khang trang, bề thế. Hiện tại, Cọ Sơn 1 đã có hơn 70% nhà xây kiên cố, nhiều nhà 2-3 tầng, kiến trúc cầu kỳ, sang trọng với tổng mức đầu tư cả tỉ đồng… Thế nên số liệu 45 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo mà khu mới bình xét cuối năm trước cũng chỉ mang tính chất… tương đối. Bởi lẽ rất khó có thể xác định, lấy làm căn cứ từ thu nhập của những lao động tự do.! Cùng với đó, bài toán “ly nông không ly hương” đảm bảo phát triển bền vững với những hướng đi, cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới cho thu nhập ổn định từ tiềm năng, thế mạnh của đất quê vẫn còn bỏ ngỏ
Kinh tế phát triển, đời sống đi lên, nỗi lo thiếu đói đã lùi vào dĩ vãng. Cùng với niềm vui lớn, Cọ Sơn cũng phát sinh những chuyện buồn, tâm tư trăn trở. Người dân ra ngoài nhiều, cùng với cái hay, cái tốt học được của thiên hạ cũng có dấu hiệu tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, tai tệ nạn xã hội, đặc biệt là với các thanh thiếu niên. Cũng chỉ vì mâu thuẫn trong khi chơi bi a, đã có án mạng thương tâm xảy ra ngay trên xóm bản vốn rất bình yên này…
Hàng ngày, thầy Võ Anh Tuấn - Chủ nhiệm lớp 3A4 vẫn chạy xe máy từ xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn lên Cọ Sơn dạy học.
Mấy năm gần đây, chuyện học của con em đã được người dân quan tâm, chú trọng hơn hẳn. Cấp mầm non, tiểu học đã có điểm trường mở tại khu, lên THCS, phần lớn các cháu đều được phụ huynh thu xếp thời gian đưa đón xuống xã theo học. Tỷ lệ học sinh lên Tân Phú theo học THPT ngày một nhiều, lác đác đã có con em Cọ Sơn trúng tuyển các trường cao đẳng, đại học…
Chủ nhiệm lớp 5A4, đồng thời được giao phụ trách khu điểm trường tiểu học tại Cọ Sơn, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Điểm trường có đủ năm lớp với 114 học sinh. Các thầy cô giáo đều là người xã ngoài, đi về trong ngày, cá biệt có thầy nhà tận Giáp Lai (Thanh Sơn), cách điểm trường mấy chục cây số, mất cả tiếng đồng hồ chạy xe máy mỗi lượt đi về. Điểm trường không đủ điều kiện để tổ chức ăn bán trú. Các môn Tiếng Anh, Thể dục, Mỹ thuật có các thầy cô dưới trường trung tâm lên giảng dạy theo lịch. Gần đây, điểm trường đã được lắp đặt đường truyền internet nhưng do không có máy tính nên không thể dạy tin học, học sinh cũng không thể tham gia các cuộc thi trên mạng. Đây là điều rất thiệt thòi cho các cháu…”.
Sân chơi của học sinh trong khu điểm trường Tiểu học Cọ Sơn
Cũng chính vì điều kiện học tập chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, đã có phụ huynh xin chuyển con em xuống học dưới điểm trường trung tâm, cất công ngày bốn buổi đưa đi đón về, trong đó có trưởng khu Hoàng Văn Toán.
Bản xa thay áo mới, trong niềm vui phát triển, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở nơi vùng cao Cọ Sơn.
Cẩm Ninh