“Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật”
PTĐT- Nhận được cuốn sách “Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật” (NXB Hồng Đức - tháng 01 năm 2018 với 382 trang) của tác giả Đỗ Khắc Tuấn và Đỗ Thị Thanh Lý tôi thật ngỡ ngàng xúc động trước một công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian của họ.

“Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật”

PTĐT- Nhận được cuốn sách “Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật” (NXB Hồng Đức - tháng 01 năm 2018 với 382 trang) của tác giả Đỗ Khắc Tuấn và Đỗ Thị Thanh Lý tôi thật ngỡ ngàng xúc động trước một công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian của họ.

Hình ảnh bệnh binh Đỗ Khắc Tuấn khiếm thị, chập chững lần từng bước theo đôi bàn chân của cô giáo Đỗ Thị Thanh Lý (bạn đời của Đỗ Khắc Tuấn) cứ hiện lên trong tôi. Một câu hỏi xoáy sâu trong đầu tôi: Đỗ Khắc Tuấn làm thế nào để sưu tầm, nghiên cứu, biên tập tư liệu về văn hóa dân gian để in sách? Tuấn là hội viên Hội Văn học nghệ thuật thành phố Việt Trì, sinh hoạt ở Chi hội Thơ. Làm thơ với người bình thường đã khó, làm thơ với người khiếm thị lại càng khó hơn, bởi chỉ rung động qua âm thanh. Vậy mà anh còn thành công trong việc “tìm ngọc”, “lọc quặng lấy vàng”…

Thành công của Tuấn có công sức của người bạn đời Đỗ Thị Thanh Lý đã nhiều năm, nhiều tháng cùng Tuấn đến những nơi mà anh cần đến để hỏi, để nghe, để sờ vào hiện vật rồi ngẫm nghĩ, xếp đặt trong đầu, rồi đọc cho vợ ghi lại từng nội dung, từng sự việc, từng chuyên đề… Cứ như vậy, Đỗ Khắc Tuấn tự xoay sở cùng “thư ký” Đỗ Thị Thanh Lý và sự hỗ trợ của hai “công chúa” Hồng Lam, Hồng Lựu để lần lượt cho ra đời những trang viết, những tác phẩm mà người bình thường làm công tác nghiên cứu nhiều khi phải mất rất nhiều công sức mới có được. Đọc “Lời nói đầu” của “Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật” người đọc cảm nhận ngay được cái tâm và một tấm lòng của người cầm bút với quê hương mình.

“…Ngàn năm còn đó quê văn vật

Dẫu mấy thăng trầm, mấy bể dâu”

Lâu Thượng với hình sông thế núi mang dáng rồng cuộn, hổ chầu được Vua Hùng chọn dựng đất định đô (Một góc của kinh đô Văn Lang). Lâu Thượng mang trong mình một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tầm cỡ. Đó là một quần thể đình, đền, miếu mạo có kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo với mật độ dày đặc trải dài trên bẩy thôn xã Lâu Thượng cùng với các lễ hội đầu xuân với ý thức tôn vinh những người có công với làng với nước. Cùng với lễ hội là một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú của dân làng Lâu Thượng sáng tạo ra để ngợi ca cuộc sống, con người Lâu Thượng một nắng hai sương vì dân, vì nước. 378 trang sách, “Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật” là cái tên, cái tình của gia đình bệnh binh khiếm thị Đỗ Khắc Tuấn nhằm “Khắc ghi công đức tổ tông/ Giữ cho văn vật đất này trường sinh” (tr378).

“Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật” đúng với cái tên của nó. Tập sách đã giới thiệu tổng quan về lịch sử, xã hội xã Lâu Thượng trên cơ sở đó mà mảnh đất ngàn năm văn vật hiện lên trước mắt người đọc 8 ngôi đình, 6 ngôi miếu, 4 chùa, 1 quán, 1 văn chỉ, 1 di chỉ khảo cổ, 1 giếng, 1 cầu đá, 1 soi dầu, 1 rặng duối buộc voi, 1 bến Bống, 1 thành hoàng làng...

Văn hóa vật thể đa dạng, phong phú, cổ kính bao nhiêu thì văn hóa phi vật thể phong phú bấy nhiêu.

Các vị thành hoàng làng hai thôn Nội, Ngoại; hai thôn Quất Thượng, Quất Hạ; thôn Hương Lan, Tràng Đông, Tràng Nam và xã Lâu Thượng đã từ cuộc sống đi vào thi ca, nhạc họa…

Người trước ngợi ca, người sau tiếp bước làm rạng sáng thêm đất Lâu Thượng ngàn năm văn vật.

Vài ba năm để có một công trình sưu tầm, nghiên cứu như “Lâu Thượng - mảnh đất ngàn năm văn vật” đối với một cán bộ về hưu, những ngày của riêng mình - mắt còn tinh, tay lái còn vững luồn lách vào từng ngõ xóm dù chỉ để dưỡng tâm, dưỡng trí mong có “của” để lại cho đời đã quá gian nan, vất vả nữa là đối với một bệnh binh khiếm thị như Đỗ Khắc Tuấn.

Rời khỏi ngôi nhà nhỏ số 30, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, hình ảnh vợ chồng Đỗ Khắc Tuấn với bước đi dò dẫm, với tay nâng dẫn từng bước đi cho chồng tiễn khách để rồi trở lại bàn làm việc nghe chồng đọc, vợ ghi, ghi và sửa - những trang viết về những người có công với làng, với nước của bệnh binh khiếm thị Đỗ Khắc Tuấn và cô giáo đã một thời đảm việc nhà, giỏi việc nước Đỗ Thị Thanh Lý cứ níu bước chân tôi. Dùng dằng mãi rồi cũng phải chia tay. Dắt xe đạp ra về mà lòng cứ xốn xang, lòng lại nhủ lòng: Hãy vượt lên tuổi tác để tìm kiếm thêm “ngọc quý” dâng hiến cho đời. Bệnh binh khiếm thị Đỗ Khắc Tuấn là một tấm gương sáng. Nếu cuộc đời này nếu ai cũng có tâm với di sản văn hóa dân tộc như Đỗ Khắc Tuấn “Nguyễn Đình Chiểu thời nay” để mỗi làng, mỗi xã của Đất Tổ sẽ có một cuốn Địa chí văn hóa dân gian.

Dương Huy Thiện

Dương Huy Thiện