Doanh nghiệp tư nhân Xuân Thiều, xã Thạch Đồng giải quyết việc làm thường xuyên và mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
PTĐT - Là huyện có trữ lượng tài nguyên khoáng sản (TNKS) đa dạng, những năm gần đây, huyện Thanh Thủy tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều hành vi vi phạm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về TNKS theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; đẩy mạnh, kiểm tra, giám sát về TNKS, nhất là đối với các DN sau cấp phép theo các nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản được cấp; tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân không tham gia khai thác khoáng sản trái phép; hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý TNKS theo chức năng, nhiệm vụ. Các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Công an huyện và các xã, thị trấn thường xuyên giám sát các DN trong hoạt động khai thác khoáng sản; chấp hành việc khai thác đúng chỉ giới mỏ được giao, đảm bảo việc đổ thải, cắt tầng khai thác theo đúng quy định, đảm bảo an toàn lao động về người và phương tiện…
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 10 DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; một số DN hết hạn giấy phép đã dừng khai thác và hoàn thiện thủ tục gia hạn cấp giấy phép, đảm bảo chấp hành nghiêm quy định… Theo ông Thiều Khắc Điệp - Giám đốc DN tư nhân Xuân Thiều, ở khu 6, xã Thạch Đồng, hàng năm DN chấp hành đầy đủ các quy định Nhà nước về vận tải, kho bãi, bốc xếp hàng hóa, khai thác cát, sỏi…; giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương và các xã lân cận với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; đồng thời, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội của địa phương.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TNKS, huyện yêu cầu các DN chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng TNKS; ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNKS; đề xuất bổ sung vào quy hoạch hay đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí không thuận lợi về khai thác TNKS; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiến hành lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, định hướng 2030…
Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động khai thác TNKS từng bước đi vào nền nếp. Hầu hết các DN khai thác mỏ có đầy đủ giấy tờ pháp lý về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục pháp lý về đất đai đối với khu vực khai thác chế biến; tích cực phối hợp xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, hỗ trợ duy tu bảo dưỡng các tuyến đường liên thôn mà đơn vị tham gia vận chuyển khoáng sản, quan tâm đến đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước... Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số DN thực hiện chưa đồng bộ các giải pháp dẫn đến tình trạng ô nhiễm, sạt lở, gây bức xúc cho người dân, điển hình như ở các xã Đào Xá, Sơn Thủy...
Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân và các DN, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân và DN trong việc chấp hành chính sách pháp luật về khai thác TNKS theo quy định của Nhà nước, thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản, các quy định của tỉnh; phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở TNMT và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản và các DN; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý đất đai, TNKS…
Ngọc Lam