PTO- Thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc là những yếu tố hình thành văn hóa đọc. Trên thực tế, văn hóa đọc ở nước ta đang bị mai một mà nguyên nhân đầu tiên được xác định là mất thói quen đọc sách. Hình thành, xây dựng thói quen đọc đang trở thành vấn đề cơ bản để xây dựng lại văn hóa đọc trong thời điểm hiện nay.
![]() |
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm giao lưu với các học sinh Đất Tổ về vai trò, ý nghĩa của sách. |
Sách là kho tàng tri thức quý giá của nhân loại, là người thầy của mỗi chúng ta. Mỗi cuốn sách hay sẽ đem lại cho người đọc những hiểu biết qúy báu, đưa chúng ta tới chân trời tri thức rộng lớn. Thời đại ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông trực tuyến, sách và văn hóa đọc đang có nguy cơ bị lấn lướt. Thư viện, hiệu sách đang dần vắng bóng độc giả, những cuốn sách kinh điển cũng không còn nhiều sức hấp dẫn đối với người đọc. Không thể phủ nhận sự tiện lợi nhanh chóng của mạng Internet, sức thu hút của các loại hình văn hóa, giải trí trên báo, đài và các trang mạng xã hội. Nhưng đọc sách là hoạt động văn hóa đặc biệt không thể thay thế trong đời sống xã hội. Những năm gần đây, khi hệ thống thông tin đại chúng ngày càng phát triển, Internet có thể truy cập từ nhiều nơi, đã khiến văn hóa đọc ngày càng mai một.
Khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa đọc đối với việc tiếp nhận, tích lũy kiến thức, hình thành nhân cách sống, đã có không ít bài viết, buổi tọa đàm, trao đổi, khảo sát tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp, phương cách hiệu quả để mang sách đến với công chúng. Một trong các hoạt động nhằm khơi dậy sự quan tâm và khích lệ niềm yêu mến sách chính là tổ chức các triển lãm, ngày hội sách thu hút đông đảo bạn đọc các lứa tuổi đến tham gia, giao lưu cùng các tác giả tên tuổi. Mới đây, trên địa bàn tỉnh ta đã diễn ra buổi giao lưu - tọa đàm về sách với chủ đề “Xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường và xã hội” với sự tham gia của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Trao đổi về vấn đề văn hóa đọc, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã khẳng định ý nghĩa của sách trong đời sống tinh thần và bồi dưỡng tâm hồn con người; nhà thơ cũng bày tỏ về những băn khoăn trước một số vấn đề trong văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc trong thế hệ trẻ hôm nay nhưng nhà thơ vẫn khẳng định niềm tin mãnh liệt của cá nhân ông vào giá trị cao quý của sách. Giới thiệu cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc vốn không hề xa lạ với thanh niên ngày nay, nhưng qua lời kể của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, ai cũng thấy năm tháng và con người trong nhật ký ấy gần với mình hơn bao giờ hết.
Cầm trên tay những trang thơ viết tay của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trao tặng, em Nguyễn Ngọc Sáng – học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương không khỏi xúc động: “Học chuyên Văn, em rất thích đọc sách, báo, được gặp, trò chuyện và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã tặng thơ, sách em thấy rất vinh dự. Em sẽ khắc ghi những lời chia sẻ của nhà thơ về sách và văn hóa đọc: Văn hóa đọc không gì thay thế được, sách là lời di huấn của thế hệ trước tới thế hệ sau”. Những chia sẻ tâm huyết của nhà thơ sẽ giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng mà cha anh ta đã dựng xây, để từ đó ý thức hơn về trách nhiệm với tổ quốc mến yêu.
Xây dựng, duy trì, củng cố thói quen đọc sách là xây dựng một quá trình văn hóa, một việc làm rất thiết thực trực tiếp góp phần mở mang, phát triển tri thức từ mỗi người cho đến toàn xã hội. Trong tương lai, khi xã hội phát triển hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet nhưng chắc chắn sách vẫn không mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó. Cảm giác khi lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn thơm mùi mực in, giấy mới với những trang trí, hoạ tiết đẹp thay vì căng mắt ra để đọc trên màn hình máy tính vẫn mãi là niềm vui thú vị không dễ gì thay đổi.
Hiền Mai