Tân Sơn phát triển kinh tế gắn với du lịch
![]() |
Vườn rừng Tân Sơn - vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa tạo ra cảnh quan du lịch. |
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Tân Sơn để có thể đưa du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế là cơ sở hạ tầng còn kém, tốc độ chuyển dịch cơ cấu còn chậm, các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, chưa phát triển theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, trình độ dân trí nhiều nơi, nhất là vùng của đồng bào dân tộc còn thấp chưa thể tạo thành văn hóa du lịch. Để khắc phục những khó khăn đó, Tân Sơn cố gắng phát huy nội lực, ưu tiên phát triển kinh tế phục vụ du lịch phát huy các lợi thế sẵn có. Việc phát triển kinh tế phục vụ du lịch phải phát triển theo hướng bền vững đi đôi với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.
Hiện nay, lãnh đạo huyện Tân Sơn đã có những chương trình phát triển kinh tế (chủ yếu là nông nghiệp với việc nuôi, trồng các loại cây, con là sản vật của địa phương) theo hướng phục vụ phát triển du lịch. Huyện đã có sự quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí cũng như kỹ thuật để có thể mở rộng diện tích đưa sản phẩm thành hàng hóa theo hướng thị trường. Giống lúa nếp đặc sản đã được đưa vào trồng với quy mô 200ha tại các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Thu Cúc, Lai Đồng ước tính sẽ thu được khoảng 1.000 tấn/năm. Giống ngô địa phương (ngô nếp) được trồng khoảng 20ha cũng cho sản lượng trên 70 tấn/năm. Cây khoai tầng trồng trên 15 ha với năng suất từ 18 – 20 tấn/ha cũng sẽ góp phần tăng thêm sản vật của địa phương giới thiệu với du khách. Cây chuối phấn vàng hiện đang được trồng rộng rãi nhất với quy mô trên 300ha có sản lượng trên 3.000 tấn/năm hứa hẹn không chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện mà có thể đưa ra các thị trường khác. Các cây rau đặc sản bản địa như rau sắng, rau chuối… cũng được lãnh đạo huyện khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng. Ngoài ra là các loại cây thuốc, dược liệu quý (Tân Sơn có tới 580 loài cây có giá trị y học cao), các loại chè đặc sản đều được hỗ trợ và khuyến khích mở rộng diện tích.
Ngoài trồng trọt, việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm đã trở thành đặc sản của địa phương như gà nhiều cựa, gà ri, gà tre, vịt suối, cá suối, dê, lợn rừng, lợn lửng, lợn rừng lai, mật ong rừng… cũng đang được nhân giống và mở rộng quy mô hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi các sản phẩm không còn bó hẹp chỉ đáp ứng nhu cầu của địa phương mà trở thành sản phẩm hàng hóa theo hướng thị trường sẽ góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm ẩm thực truyền thống (đặc biệt là của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện) mang nét văn hóa riêng vốn đã có tiếng thì khi du lịch phát triển sẽ được bảo tồn và phát huy tạo thành nét độc đáo trong “tour” du lịch Tân Sơn.
Để làm được những điều đó thì lãnh đạo và nhân dân huyện Tân Sơn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với những điều kiện thuận lợi và được sự quan tâm của các cấp thì mong rằng Tân Sơn sẽ nhanh chóng chuyển mình, trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách không chỉ trong mà cả ngoài nước. Từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân sẽ được nâng cao hơn góp phần phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh và toàn quốc. Hùng Cường