Phát triển thương mại trong tình hình mới
baophutho.vn Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng song với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã thích ứng linh hoạt, chủ động tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Phát triển thương mại trong tình hình mới

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đẩy mạnh dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng để kích cầu tiêu dùng trong trạng thái bình thường mới.

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng song với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã thích ứng linh hoạt, chủ động tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Kinh doanh an toàn, hoạt động hiệu quả

Sau khi dịch bệnh COVID - 19 được kiểm soát, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong “trạng thái bình thường mới”; cùng với đó, duy trì nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo mua sắm an toàn, kinh doanh hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có bốn trung tâm thương mại, 16 siêu thị, 197 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi phân bố khắp các địa phương. Mặc dù suốt quãng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động thương mại song tại một số siêu thị, cửa hàng, lượng hàng hóa bán ra thị trường vẫn ổn định. Có được kết quả đó là nhờ sự đổi mới và nhạy bén trong phương thức, cách thức bán hàng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Hằng - Chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Cận Conmetic, chợ Minh Phương, thành phố Việt Trì cho rằng, dù hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát song tâm lý của người dân vẫn còn e ngại tới những chỗ đông người. Nhiều khách hàng đã chuyển sang mua hàng trực tuyến, do vậy, cửa hàng chúng tôi đã tuyển dụng thêm nhân viên để tư vấn, chăm sóc khách hàng nhằm kết nối nhanh, tư vấn đúng sản phẩm và giao hàng ngay khi khách hàng có nhu cầu. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cũng có vài chục khách hàng cần tư vấn và mua hàng trực tuyến”.

Để bắt nhịp với xu hướng chung của toàn xã hội, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh cũng đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại và mạng xã hội gắn với dịch vụ giao hàng tận nhà. Nhờ đó, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt hơn 37.035 tỉ đồng, tăng 4,3% so với năm 2020.

Thời điểm này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại đang thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng để thu hút khách hàng bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà, giảm giá từ 10 - 30% tùy theo từng sản phẩm, hỗ trợ khách hàng mua sản phẩm trả góp lãi suất 0%...

Xác định ngành thương mại, dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế, bước sang giai đoạn bình thường mới, thị xã Phú Thọ đã chỉ đạo các xã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để kịp thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chủ động tiếp cận các chính sách ưu đãi về vay vốn, giãn thuế...

Hiện nay, thị xã có một trung tâm thương mại, hai siêu thị, bảy chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng bán lẻ nằm trong các khu dân cư đã hoạt động ổn định trở lại. Ông Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thị xã cho biết: “Hai năm trở lại đây, lĩnh vực thương mại - dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các loại hình thương mại trên địa bàn thị xã tiếp tục được phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, tạo nên sự đồng đều giữa khu vực trung tâm thị xã và nông thôn. Chất lượng các ngành dịch vụ ngày càng tốt hơn, nhất là các dịch vụ có lợi thế như: Vận tải, viễn thông... đã và đang đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Thời gian tới, thị xã tiếp tục làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả”.

Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Cận Conmetic, chợ Minh Phương, thành phố Việt Trì chuẩn bị hàng hóa giao cho khách hàng mua trực tuyến.

Thực hiện các giải pháp phát triển thương mại đồng bộ

Với mục tiêu đưa thương mại trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng bình quân 11,5-12%/năm, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... chiếm khoảng 30 - 35%, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Các địa phương tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, phân bố hợp lý mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường. Trong quá trình phát triển chú trọng kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Trong đó, hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong khai thác, vận hành và quản lý. Hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, xây dựng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) cũng được xem là giải pháp phát triển thương mại hiệu quả trong giai đoạn bình thường mới, bởi sự cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, vận hành thành công Sàn giao dịch TMĐT với tên miền giaothuong.net.vn. Qua 3 năm vận hành, sàn đã có trên 5 triệu lượt truy cập và đang hoạt động với 277 gian, 912 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nhiều sản phẩm nông sản chế biến, sản phẩm OCOP như: Bưởi Đoan Hùng, cam lòng vàng, chè xanh, mì gạo Hùng Lô, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, thịt chua, tương, nón lá... Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh đạt từ 350 - 400 doanh nghiệp tham gia.

Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong công tác quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, găm hàng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID - 19”.

Hà Nhung

Hà Nhung