Xưởng mộc của đảng viên Hà Trung Tâm ở xã Kiệt Sơn đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
PTĐT - Là huyện miền núi, thu nhập của người dân huyện Tân Sơn chủ yếu trông vào nông, lâm nghiệp. Trước đây, do điều kiện tự nhiên, kinh tế và tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Đứng trước thực tế ấy, nhiều đảng viên đã nỗ lực tìm hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ nhân dân các tiến bộ kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất nhằm nâng cao đời sống.
Hơn 20 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng là 20 năm ông Hà Minh Sơn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kiệt Sơn gắn bó với những vui, buồn của bà con nhân dân, bởi lẽ, trước khi trở thành một cán bộ chủ chốt của địa phương, ông đã từng là một người nông dân, một người lính, thế nên ông thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh của đồng bào.
Phát huy tính tiên phong của người đảng viên, ông Sơn đã tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Trên diện tích đất đồi rừng khoảng 3ha, ông xây dựng và phát triển mô hình kinh tế gia trại, kết hợp trồng các loại cây truyền thống như lúa, ngô, sắn với các giống cây lương thực ngắn ngày và dài ngày như cây chè, cây nguyên liệu giấy, nuôi gà cựa, vịt, ngan, bò, cho thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của gia đình ông, nhiều bà con trong vùng đã tin tưởng và làm theo. Đến nay đã có sự thay đổi trong đời sống kinh tế của người dân, an ninh lương thực được đảm bảo, nhiều hộ đã thoát nghèo và dần khấm khá.
Ông Sơn cho biết: Cuộc sống ấm no hơn, người dân nghe theo cán bộ địa phương bỏ lối sinh hoạt cổ hủ, thoát khỏi tâm lý trông chờ, chủ động hơn với những công việc liên quan trực tiếp đến đời sống của mình. Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã tích cực tham gia đóng góp làm mới, sửa chữa, mở rộng đường giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại và hoạt động lao động sản xuất trên địa bàn.
Với tinh thần “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”, vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Quang Viết và bà Vũ Thị Hiền ở khu Đồng Thanh, xã Văn Luông cũng đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiện nay, ngoài nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt, ông Viết còn nhận thầu 2ha hồ đập của Xí nghiệp chè Minh Đài để đầu tư nuôi cá, trồng cây ăn quả, tận dụng mặt nước nuôi vịt đẻ trứng, đem lại thu nhập ổn định.
Ông Viết chia sẻ: “Trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, vợ chồng tôi nhiều lúc gặp không ít khó khăn. Những lúc như vậy, tôi lại lấy lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” làm động lực để vượt qua. Nhận thấy lợi thế về đất đai, gia đình tôi đã đào ao, đắp đập thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Thu nhập bình quân của gia đình sau khi trừ chi phí đạt khoảng 100 triệu đồng/năm”.
“Học tập Bác bằng nhiều cách, nhiều hình thức và nhiều việc làm cụ thể; học và làm theo tấm gương của Bác từ những việc nhỏ nhất để phù hợp với điều kiện của bản thân”, đó là suy nghĩ của anh Hà Văn Tuấn. Sinh năm 1973 trong một gia đình người Mường đông anh em ở khu Bặn, xã Thu Cúc, năm 1997, khi vừa tròn 24 tuổi, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến tháng 3/2015, anh được cấp ủy và chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ khu Bặn, xã Thu Cúc.
Nhắc đến anh Hà Văn Tuấn, bà con nhân dân khu Bặn, đều ngưỡng mộ bởi anh không chỉ là một Bí thư chi bộ, Phó khu dân cư gương mẫu, trách nhiệm với công việc, mà còn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) của gia đình anh Hà Văn Tuấn có lẽ là niềm mong ước của rất nhiều hộ dân nơi đây. Hiện gia đình anh đang nuôi hơn 20 con lợn nái sinh sản là các giống lợn hướng nạc được mua từ các trang trại có uy tín trong tỉnh, trừ mọi chi phí và trả công lao động, anh thu lãi gần 300 triệu/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình anh Tuấn còn thường xuyên giúp đỡ về vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nhân dân trong khu khi họ có nhu cầu. Bên cạch đó, anh cũng tích cực tuyên truyền, vận động đảng viên trong chi bộ, bà con trong khu thay đổi thói quen, tập quán canh tác cũ trong sản xuất, chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ hiệu quả của mô hình phát triển kinh tế gia trại của gia đình đảng viên Hà Minh Sơn, nhiều hộ gia đình khác đã học tập và làm theo, góp phần tạo chuyển biến trong đời sống kinh tế của địa phương.
Là huyện miền núi thuần nông, trước đây, ở Tân Sơn có những phong tục tập quán cũ đã ảnh hưởng rất lớn tới nếp nghĩ, cách làm của bà con. Họ có tư tưởng làm để đủ cái ăn, cái mặc chứ không mấy ai mặn mà với việc làm giàu nên rất khó thay đổi về tập quán sản xuất, canh tác. Theo một số đảng viên chúng tôi đã gặp, để giúp quần chúng nhân dân thay đổi nếp nghĩ, nâng cao đời sống thì trước hết người đảng viên phải thực sự gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, hoà mình với quần chúng, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Bởi thế, nhiều đảng viên ở các chi bộ nông thôn đã gương mẫu, chủ động tham mưu, cùng với Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã chỉ đạo nhân dân thực hiện các biện pháp đầu tư thâm canh, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích đưa các cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa, phát triển tiểu thủ công nghiệp… tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, giải quyết một phần nhu cầu việc làm cho lao động nông nhàn, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Trên địa bàn còn nhiều đảng viên ở các xã đã có cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời hỗ trợ nhân dân kinh nghiệm sản xuất. Những đảng viên đó đã trở thành tấm gương sáng ở địa phương, giúp bà con, đặc biệt là bà con người dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền.
Đánh giá về những đảng viên gương mẫu này, đồng chí Hà Thanh Ngữ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tân Sơn khẳng định: Chính những đảng viên gương mẫu đó là tấm gương dân vận khéo trong các công tác ở địa phương. Người dân nhìn vào việc họ làm, học theo để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương, làng xóm, góp phần không nhỏ trong việc đưa Tân Sơn thoát khỏi diện huyện 30A. Họ đã phát huy được tinh thần, phẩm chất của người đảng viên, xứng đáng là chỗ dựa cho nhân dân. Điều đáng mừng là số lượng những đảng viên như vậy ngày càng tăng, đặc biệt là lực lượng đảng viên trẻ.
Ông Hà Văn Thuyên ở xã Mỹ Thuận cho biết: Chúng tôi học được rất nhiều phương thức làm kinh tế có hiệu quả như đưa giống chè mới vào sản xuất, trồng mía trên đồi hay chăm sóc gà, lợn… Nhờ những kinh nghiệm đó, nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác trong xã và các xã khác đều rất nể phục, tin tưởng vào đường lối phát triển kinh tế của Đảng mà các đảng viên đang tiên phong đi đầu.
Tân Sơn đang có những thay đổi theo hướng tích cực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện nâng cao, điều đó có đóng góp không nhỏ của những người đảng viên ở các chi bộ nông thôn, góp phần hoàn thành được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra.
PHAN CƯỜNG