Thanh Sơn sau 10 năm thực hiện “tam nông”
Thanh Sơn sau 10 năm thực hiện “tam nông”

Thanh Sơn sau 10 năm thực hiện “tam nông”

Phát triển chè chất lượng cao là một trong những chương trình nông nghiệp trọng điểm được huyện Thanh Sơn thực hiện đạt hiệu quả cao trong những năm qua.

PTĐT -

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Sơn đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng và ban hành các đề án nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Qua 10 năm thực hiện, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở Thanh Sơn đã có những thay đổi đáng kể.

Những kết quả cụ thể

Để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy Thanh Sơn đã ban hành Kế hoạch số 62 và nhiều văn bản khác, chỉ đạo UBND huyện ban hành 3 đề án: Chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2013-2020; phát triển sản xuất lương thực giai đoạn 2014 - 2020; phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 - 2020. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

Tính đến hết năm 2017, sản xuất nông nghiệp ở Thanh Sơn đã có những thay đổi đáng kể: Diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng tiến bộ kỹ thuật như SRI, IPM, VietGAP... được mở rộng, tập trung tại các xã Yên Sơn, Sơn Hùng, Địch Quả, Võ Miếu... Lượng máy cơ giới đưa vào đồng ruộng tăng 368% so với năm 2008; diện tích lúa chất lượng cao đạt gần 800ha (năm 2008 chưa có định hướng đưa vào sản xuất); tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 49.850 tấn, tăng hơn 18.000 tấn; các giống cũ dài ngày, năng suất, chất lượng thấp dần được thay thế. Việc dồn đổi ruộng đất được các địa phương tập trung thực hiện, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; các trang trại, gia trại có quy mô từ trung bình đến lớn, sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Một trong những thế mạnh của Thanh Sơn là kinh tế đồi rừng, do đó, một trong ba đề án trọng điểm của huyện là phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển cây gỗ lớn. UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả như đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giống mới đảm bảo năng suất, chất lượng; áp dụng công nghệ mới về giống, từng bước phát triển chế biến tinh, sâu, giảm dần chế biến thô; phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng: Trồng cây gỗ lớn; trồng chè xanh chất lượng cao, trồng cây có múi... Đến năm 2017, năng suất gỗ đạt 70m3/ha, bằng 138% so với năm 2008, giá trị kinh tế đồi rừng năm 2017 bình quân 100 triệu đồng/ha, tăng 50 triệu đồng so năm 2008.

Là một trong những huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh, cây chè đã góp phần không nhỏ trong xóa đói giảm nghèo ở Thanh Sơn. Diện tích chè năm 2017 đạt trên 2.400ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt hơn 2.200ha, bằng 139,2% so với năm 2008; năng suất chè đạt 115 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 25.384,2 tấn, bằng 166,3% so với năm 2008. Các loại cây ăn quả như chuối phấn vàng, cây có múi từng bước khẳng định được hiệu quả và mở rộng diện tích.

Trong 10 năm qua, phát triển chăn nuôi đã có bước chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, đặc biệt là chăn nuôi tại các xã Địch Quả, Võ Miếu, Thắng Sơn,... từng bước thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất liên doanh, liên kết với người dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tổng đàn bò năm 2017 đạt trên 16.700 con, bằng 109,64% so với năm 2008 (trong đó: Bò lai 10.123 con); tổng đàn trâu 12.404 con, tổng đàn lợn 78.837 con, tổng đàn gia cầm 1.443,7 nghìn con, bằng 229,7% so với năm 2008...

Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Nghị quyết Trung ương 7 đi vào thực tiễn cuộc sống đã khẳng định được tính đúng đắn, sát thực và khả thi. Bộ mặt nông nghiệp nông thôn, trong đó có huyện miền núi còn khó khăn như Thanh Sơn có những thay đổi rõ rệt, thu nhập của người nông dân được nâng lên, huy động nguồn lực tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Các cơ sở chế biến gỗ được đầu tư, tạo điều kiện cho huyện Thanh Sơn phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Hướng đi của tương lai

Tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, Thanh Sơn xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án như: Đề án nông nghiệp; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ nông nghiệp và các chính sách khác của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Theo đó, Thanh Sơn sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển theo chuỗi liên kết bền vững và tăng khả năng cạnh tranh của một số nông sản hàng hoá chủ lực của địa phương như: Chè (Sơn Hùng, Thục Luyện, Võ Miếu,…), chăn nuôi gà (Địch Quả, Võ Miếu, Thắng Sơn,…), gỗ nguyên liệu (Tất Thắng, Cự Thắng, Văn Miếu…), thịt chua (Thị trấn Thanh Sơn), chuối phấn vàng (Tân Lập, Tân Minh), bưởi Diễn tại các xã trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Quang Trung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cự Thắng cho biết: Hiện nay, Cự Thắng đang tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, cây ăn quả, cây chè. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và các Nghị quyết, chương trình hành động, chuyên đề của Huyện ủy, bộ mặt nông thôn ở Cự Thắng đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống bà con được nâng cao. Có thể nói, Nghị quyết đã thực sự đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân nông thôn.

Bên cạnh việc tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư phát triển nông nghiệp, Thanh Sơn sẽ tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, dịch vụ thương mại; củng cố và phát triển hệ thống các cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là các thôn, bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, để người dân được mua các loại vật tư đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và kịp thời cho sản xuất. Sửa chữa, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn, tạo điều kiện hình thành chợ đầu mối tiêu thụ nông sản ở các xã Yên Sơn, Văn Miếu, Võ Miếu...

Huyện ủy cũng chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện cụ thể hóa các hoạt động của tổ chức, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Yêu cầu các chi, đảng bộ cơ sở tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khắc phục tình trạng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong nhân dân.

Hùng Cường

Hùng Cường