Một người Mỹ kỳ lạ
Dù bị bệnh ung thư vòm họng hành hạ, Cao ủy Liên Hợp Quốc Christopher J. Carpenter vẫn một mình lầm lũi làm từ thiện hơn 10 năm nay ở Việt Nam.

Một người Mỹ kỳ lạ

Một người Mỹ kỳ lạ

Dù bị bệnh ung thư vòm họng hành hạ, Cao ủy Liên Hợp Quốc Christopher J. Carpenter vẫn một mình lầm lũi làm từ thiện hơn 10 năm nay ở Việt Nam.

Ông lặn lội qua các vùng sâu - xa, vùng đặc biệt khó khăn để dùng số tiền cá nhân hơn hai triệu USD triển khai 71 dự án về điện, đường, trường cho người nghèo Việt Nam.

Ông Carpenter . Ảnh: Phong Cầm

Vào một buổi chiều muộn tháng Tư, tôi gặp Carpenter. Vẫn dáng người cao dỏng, ánh mắt tinh anh, trông ông gầy đi nhiều so với hồi cùng chúng tôi băng rừng lội suối khảo sát xây trường học tại xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang).

Vừa kết thúc chuyến đi ba tháng khảo sát xây dựng thủy điện giúp bệnh nhân phong có điện sinh hoạt tại xã Dia Krieng (huyện Đức Kơ, Gia Lai), Carpenter lại chuẩn bị hành trình vào Sóc Trăng xây cầu cho các xã nghèo.

Carpenter là một người Mỹ kỳ lạ. Ông không bao giờ để đôi chân thôi ngừng nghỉ khi còn nhìn thấy những cảnh đời éo le. Ông sinh ra và lớn lên ở San Francisco (Mỹ) nhưng định cư tại Geneve (Thụy Sỹ).

Từ nhỏ, Carpenter rất thích làm việc thiện nên quyết định không lập gia đình để dành cả đời cống hiến cho người yếu thế. Năm 1993, Carpenter đến Việt Nam mang trên mình trọng trách là Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Chính ông có những đóng góp đáng kể trong việc thực hiện chương trình hồi hương thuyền nhân Việt Nam.

Carpenter đưa ra quyết định kịp thời tài trợ khẩn cấp cho bảy tỉnh có người Campuchia gốc Việt bị Kh’mer đỏ khủng bố, phải chạy từ Campuchia về Việt Nam. Số tiền 500 nghìn USD tuy không nhiều, nhưng kịp thời giải quyết khó khăn cho đồng bào chạy nạn, được Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao.

Sau khi rời Việt Nam sang Nga, Carpenter vẫn không quên Việt Nam. Nguyện vọng được tiếp tục đóng góp cho người nghèo Việt Nam thôi thúc ông. Năm 1999, ông quyết định trở lại Việt Nam.

Lúc này, với tư cách cá nhân, Carpenter đề nghị Chính phủ được đóng góp khoản tiền cá nhân (hơn 1,2 triệu USD) cho công cuộc xóa đói giảm nghèo bằng việc thực hiện các dự án nhỏ ở vùng sâu, xa.

Những công trình mang tên Carpenter

Mang căn bệnh ung thư vòm họng hơn 10 năm, nhưng Carpenter vẫn không ngại khó, ngại khổ để đi khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng một công trình nước sạch hay cây cầu, mái trường. Với các địa phương, bao giờ Carpenter cũng đề nghị cho ông được đi khảo sát và đặt công trình ở những nơi nghèo nhất, khó khăn nhất.

Sở dĩ như vậy vì Carpenter muốn có cơ hội để nghe và hiểu được dân ở đó muốn gì, cần gì và mình có thể giúp gì cho họ.

Nhớ lại ngày khánh thành khu nhà hai tầng, tám lớp học của Trường PTCS Tân Khang (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), từ già đến trẻ, ai cũng vui mừng. Họ bỏ cả chuyện đồng áng để đến dự lễ khánh thành. Nhờ có trường học khang trang, hiện đại, 800 con em xứ nghèo này không còn phải chịu cảnh học chen chúc, ba ca như trước. Để ghi ơn, lãnh đạo nhà trường cho in tấm biển đề tên Dự án Carpenter.

Cầu Bầu Sấu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) do Carpenter tài trợ . Ảnh: Hồng Sơn

Cũng nhờ công trình cung cấp nước sạch, gần 300 hộ (1.200 người) dân H’Mông ở xã Vần Chải (Đồng Văn, Hà Giang) có nước sạch để dùng. Từ khoản tiền của Carpenter và số tiền đóng góp từ địa phương, một hệ thống nước sạch hình thành với bể chứa xi măng, bể lọc và các ống dẫn nước nối liền năm thôn trong xã.

Vần Chải là một trong những xã nghèo nhất Việt Nam, chỉ có thể đến bằng đường núi quanh co, hiểm trở. Dân sống ở đây chủ yếu là người H’Mông. Những năm nắng hạn, người H’Mông phải đi bộ 10-15 km để lấy nước sinh hoạt. Sau khi khảo sát, Carpenter bỏ tiền tài trợ một công trình nước sạch, đáp ứng nhu cầu cho 1.200 dân nơi đây.

Tấm lòng lớn

“Là chủ nhân của quỹ Dự án Nhỏ Việt Nam nhưng tấm lòng của Carpenter thì vô cùng bao la”- nguyên Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng nói khi chứng kiến những việc làm có ý nghĩa thiết thực của ông đối với người nghèo Việt Nam.

Để tiếp tục có cơ hội giúp đỡ người nghèo, người dân tộc thiểu số, Carpenter thành lập Quỹ Dự án Nhỏ Việt Nam (FMV). Mục đích của FMV là vận động đóng góp từ các cá nhân hảo tâm để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng cơ sở nhỏ cấp xã cho các xã nghèo.

Công trình thủy lợi tại xã Mường Luân (Điện Biên Đông, Điện Biên) do Carpenter tài trợ. Ảnh: Hồng Sơn

Hình thức rót vốn của FMV là hỗ trợ trực tiếp cho các xã nghèo còn thiếu các công trình hạ tầng cơ sở (kênh mương thủy lợi, đập nước, cầu, đường, trường học, trạm y tế, công trình cung cấp nước sạch). Các dự án đầu tư ở quy mô nhỏ, cấp xã quản lý, kinh phí hỗ trợ mỗi dự án 30 nghìn USD, phần còn lại do địa phương đóng góp.

Cho đến thời điểm này, Carpenter thực hiện hơn 70 công trình cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, cầu, công trình nước sinh hoạt. Các dự án nhỏ đã giải ngân hơn hai triệu USD với hơn 300 nghìn người nghèo được hưởng lợi. Năm 2009, Carpenter tiếp tục tài trợ năm dự án khác tại hai tỉnh Kon Tum và Sóc Trăng (Dự án nhà ở cho học sinh bán trú; lớp học kiên cố; cầu bản làng; dự án thủy điện cho người bị bệnh phong).

Từ những cống hiến to lớn mà Carpenter đem lại cho người nghèo Việt Nam, ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huy chương hữu nghị.

“Việt Nam có gì khác biệt để ông quyết định chọn là điểm đến tài trợ?”. “Đây là nơi thực hiện nhiều dự án khi tôi còn đang công tác tại Liên Hợp Quốc. Với Việt Nam, các dự án của tôi - như các bạn biết, có kinh phí rất hạn chế nhưng, bù lại, các địa phương giúp tôi thi công công trình trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tôi chưa thấy ở đâu các công trình xoá đói giảm nghèo được thực hiện tốt như ở Việt Nam. Các đối tượng nghèo ở Việt Nam đều có thể tiếp cận các công trình xóa đói giảm nghèo” - Carpenter tâm sự.

“Nhưng sao chỉ hỗ trợ một nửa kinh phí?”. Carpenter giải thích: “Bên cạnh sự hỗ trợ đóng góp của chúng tôi và của dân còn có sự hỗ trợ từ nhà nước, công trình mới hiệu quả. Ví dụ như chúng tôi cùng nhân dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long xây dựng một số cây cầu, rồi sau đó chính quyền địa phương và Chính phủ đầu tư làm những con đường dẫn đến các cây cầu đó. Vì thế mà các cây cầu có ý nghĩa hơn, thuận tiện hơn trong sử dụng”.

Ông Vũ Anh Sơn - Trưởng phái đoàn tại Việt Nam về người tỵ nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR), từng làm việc nhiều năm với Carpenter nói rằng, Carpenter nhiệt tình đến kỳ lạ, đặc biệt đối với người tàn tật và công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

Khi tạm biệt, Carpenter cho biết sẽ về Thụy Sỹ một thời gian để chữa bệnh. Ông hy vọng bệnh tình sẽ tốt hơn để sớm quay lại tiếp tục cuộc hành trình giúp đỡ người nghèo Việt Nam. Theo TPO