Cẩm Khê cơ cấu lại ngành nông nghiệp
baophutho.vn Những năm qua, Huyện Cẩm Khê tập trung triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị gia tăng, tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Cẩm Khê cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Những năm qua, Huyện Cẩm Khê tập trung triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị gia tăng, tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Cẩm Khê cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Phạm Hồng Diên ở khu Đoàn Kết, xã Cấp Dẫn trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Đổi mới tổ chức sản xuất và hợp tác

Giai đoạn 2021-2025, huyện Cẩm Khê thực hiện điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tình hình thực tế. Trong đó, tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại; tăng cường liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Ông Ngô Văn Khánh - Giám đốc HTX Gà đồi Tiên Sơn, xã Tiên Lương cho biết: “Tháng 6/2019, HTX được thành lập với 13 thành viên. Để sản xuất đạt hiệu quả, 100% thành viên HTX được trang bị kiến ​​thức về chăn nuôi an toàn sinh học. Tuân thủ chặt chẽ quy định chăn nuôi từ giống đầu vào, vệ sinh chuồng trại đến quản lý chất thải đúng quy định nên tổng đàn gà phát triển tốt và cho năng suất cao với hơn 100.000 con/năm, chủ yếu là gà thịt và gà đẻ trứng. Hàng năm, xuất bán ra thị trường trên 600 tấn gà thương phẩm cùng hàng vạn trứng với tổng doanh thu đạt hơn 8 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt được hơn một tỉ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. HTX ra đời đã thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ thành sản xuất có liên kết với quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương”.

Thời gian qua, Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Khê được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo sát sao. Công tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn ngày càng chặt chẽ. Đồng chí Trần Minh Nghiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Khê cho biết: “Trong quá trình thực hiện đã có sự điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp với tình hình thực tế; huyện ưu tiên, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Các HTX và nông dân đã nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết, mục tiêu của chủ trương tái cơ cấu dựa trên phương châm “hợp tác, liên kết và thị trường”. Đã có một số HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu tư vào để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.

Cẩm Khê cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Mô hình liên kết chăn nuôi gà của HTX Gà đồi Tiên Sơn, xã Tiên Lương mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả

Huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự thống nhất về định hướng cơ cấu lại ngành công nghiệp để người dân đồng thuận, thay đổi nhận thức về tư duy, tập quán sản xuất từ ​​nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, huyện tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa vào sản xuất; đầu tư thâm canh, kết hợp với việc thực hiện các biện pháp cải tạo đất canh tác. Công tác đảm bảo môi trường được quan tâm thông qua việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường nước nuôi thủy sản; đưa các chế phẩm sinh học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường. Đồng chí Nguyễn Hữu Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian qua, huyện Cẩm Khê đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững. Điển hình như, đã tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt quy hoạch đất đai, chú trọng tập huấn chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Đồng thời, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp… Huyện đã phân bổ tỷ lệ vốn để hỗ trợ phát triển các mô hình, trong đó có phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây ăn quả, phát triển thủy sản, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng của huyện... Trong đó có các vùng sản xuất hiệu quả cao như nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, cho thu nhập khoảng 150-200 triệu đồng/ha; nuôi tôm càng xanh ở các xã Văn Khúc, Chương Xá, Sơn Tình; nuôi ốc ở thị trấn Cẩm Khê, Hùng Việt, Văn Khúc, Minh Tân…”.

Đến nay, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân; giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện; diện mạo nông thôn được cải thiện phần đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2022 vừa qua, trong cơ cấu kinh tế của huyện Cẩm Khê, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỉ lệ 31,6%; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 124 triệu đồng, bình quân thu nhập đạt 36,5 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 7,66%. Huyện Cẩm Khê hiện có 12 sản phẩm OCOP, chủ yếu đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP của huyện đều là sản phẩm đặc trưng của địa phương, dễ mở rộng vùng nguyên liệu, thuận lợi cho nhiều hộ dân trong vùng cùng tham gia để có nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, huyện Cẩm Khê tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, ​​có lợi thế của địa phương theo định hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu “Mỗi xã một sản phẩm”; thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Khê nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, phấn đấu đến năm 2025 Cẩm Khê đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Ngọc Lam

Ngọc Lam