Chi nhánh Công ty TNHH chè và cafe Hồng Đức, xóm Chiềng, xã Địch Quả hiện đang thu mua chè búp tươi của người dân trên địa bàn huyện, tạo tiền đề cho việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững thông qua hợp đồng thu mua nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ an toàn.
PTĐT - Xây dựng và phát triển chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn để quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Huyện Thanh Sơn đang triển khai chuỗi giá trị nông sản nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Sơn bắt đầu triển khai 5 chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn gồm: Chuỗi cung cấp thịt chua, nem sợi tại thị trấn Thanh Sơn; chuỗi cung ứng sản phẩm chè chất lượng cao Bảo Long tại thị trấn Thanh Sơn; chuỗi cung ứng thực phẩm của công ty Cosmos, xã Yên Sơn; chuỗi cung cấp gà thịt của HTX nông nghiệp An Phú, xã Địch Quả; cung ứng sản phẩm chè chất lượng cao của các HTX chè tại xã Võ Miếu và Sơn Hùng.
Để xây dựng các chuỗi, công tác vận động, tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm được tăng cường. Một số cơ sở, đơn vị tham gia chuỗi đã chủ động trong các hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các đầu mối tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Qua đó, bước đầu hình thành được mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh. Đồng thời trang bị kiến thức, thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh. Trên địa bàn đã hình thành một số điểm giới thiệu, quảng bá và cung cấp sản phẩm an toàn có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. Chương trình hợp tác cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản được triển khai, một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn đã được các siêu thị ký hợp đồng tiêu thụ như chè xanh Bảo Long, thịt chua Trường Foods.
Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Các chuỗi cung ứng nông sản phát triển góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác, mở rộng thị trường cho nông sản. Triển khai xây dựng và nhân rộng các chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn trước mắt tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Huyện tiến tới sẽ ứng dụng dán tem điện tử thông minh cho sản phẩm tham gia chuỗi nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, bảo vệ uy tín cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện.
Chăn nuôi gà là một trong những thế mạnh trong chăn nuôi ở Thanh Sơn. Toàn huyện hiện có trên 110 hộ nuôi gà có quy mô bình quân từ 2.000 con/hộ/năm trở lên, tập trung tại 7 xã. Các giống gà được nuôi chủ yếu là gà ri lai mía và gà Lạc Thủy - Hòa Bình, đây là giống gà cho chất lượng thịt tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại Địch Quả, chăn nuôi gà tương đối phát triển và HTX nông nghiệp An Phú được thành lập năm 2016 đã kết nối các hộ chăn nuôi với nhau, tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Hiện tại HTX có trên 20 thành viên, duy trì tổng đàn trên 100.000 con/lứa.
Ông Phạm Quốc Tuân - Giám đốc HTX cho biết: HTX áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ trong chăn nuôi gà, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh phù hợp trong suốt quá trình chăn nuôi. HTX liên kết các hộ để tiêu thụ sản phẩm cho các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Với giá bán bình quân khoảng 75.000 đồng/kg, cho lợi nhuận khoảng 20.000 đồng/kg. Liên kết các hộ là tiền đề để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm, để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra bền vững. Được sự hỗ trợ của huyện và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, HTX đang làm thủ tục đăng ký, triển khai đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho gà, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện còn hạn chế do sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán; thiếu sự liên kết với khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ nên việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất còn chậm. Quy mô triển khai nhỏ nên chưa tạo được chuỗi giá trị kinh tế của sản phẩm bền vững, chưa nhân rộng được các mô hình kiểm soát chất lượng theo chuỗi. Vì vậy, lượng thực phẩm an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, huyện tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi thực phẩm an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm; mở rộng phạm vi cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng. Cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm để thiết lập liên kết với các cơ sở phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Huế