Trong 30 mẫu mì ăn liền thì có đến 33,3% dùng chất cấm Natribenzoat để bảo quản.
Bất chấp cảnh báo về phụ gia thực phẩm độc hại, các cơ sở sản xuất vẫn cho thực phẩm “ngậm” phẩm màu, chất bảo quản ngoài danh mục. Miếng ăn của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Sau khi lấy ngẫu nhiên 30 mẫu thực phẩm ở chợ và siêu thị trên địa bàn để xét nghiệm phẩm màu và chất bảo quản, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM phát hiện nhiều loại thực phẩm có hàm lượng phẩm màu và chất bảo quản vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt nhiều mẫu thực phẩm “ngậm” quá nhiều chất cấm là phẩm màu công nghiệp.
Theo ông Võ Trọng Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, trong 30 mẫu thịt lợn quay lấy ở chợ và các cơ sở trên địa bàn, có đến 4 mẫu ở 4 cơ sở dùng phẩm màu không cho phép. Trong khi đó, ngô chiên, tương ớt, 100 mẫu thì có đến gần một nửa sử dụng chất Sunset FCF độc hại. Nguy hiểm nhất, 30 mẫu mì ăn liền thì có đến 33,3% dùng chất cấm Natribenzoat để bảo quản và 30 mẫu bánh bao thì có đến 28 mẫu dùng chất bảo quản không đạt.
Do phẩm màu công nghiệp làm sản phẩm trông đẹp và rẻ tiền hơn phẩm màu tự nhiên, vì thế không ít cơ sở chế biến thực phẩm nhắm mắt làm ngơ với sức khỏe người tiêu dùng. Dù không muốn nhưng vẫn có hơn 63% người tiêu dùng phải ăn thức ăn nhuộm màu bất đắc dĩ và 20% người tiêu dùng mua phẩm màu có thể không rõ nguồn gốc ở chợ để tự chế biến thực phẩm. Trong khi đó, việc quản lý kinh doanh hóa chất của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo; kiểm tra xử những lý trường hợp dùng hóa chất độc hại để bảo quản, chế biến thực phẩm như hiện nay chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”./.
Theo VOV