Bảo vệ biển giữa trùng khơi
PTO- "Phương án đi biển đã sẵn sàng, biên đội xuất phát!"- sau mệnh lệnh của người chỉ huy, con tàu Cảnh sát biển gầm lên, đạp sóng đưa những người lính biển tiến ra khơi.

Bảo vệ biển giữa trùng khơi

PTO- “Phương án đi biển đã sẵn sàng, biên đội xuất phát!”- sau mệnh lệnh của người chỉ huy, con tàu Cảnh sát biển gầm lên, đạp sóng đưa những người lính biển tiến ra khơi.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam trong chuyến tuần tra. Ảnh: Hải Anh
Tàu cảnh sát biển Việt Nam trong chuyến tuần tra. Ảnh: Hải Anh

Sẵn sàng xuất kích

Đến thăm các chiến sĩ Vùng 2 Cảnh sát biển trong những ngày tổ chức trực tăng cường. Trên thân chiếc tàu sơn màu xanh nước biển và in dòng chữ Viet Nam Marine Police, những người lính trẻ mặc sắc phục, mang quân hàm màu tím đang tất bật vận hành tàu.

Khi những người lính biển quy tụ đông đủ trên boong, lướt qua những khuôn mặt, chúng tôi nhận ra cái nắng và gió biển mặn mòi vẫn không phủ lấp được nét trẻ trung của những người lính biển. Các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều thuộc thế hệ 8X, điểm chung nhất đều quê ở đất Bắc. Vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, các anh về đây và quanh năm dãi dầu với thiên tai khắc nghiệt của biển miền Trung. Phần lớn các anh đều được đào tạo trong trường Hải quân, một số chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Hải quân biên chế sang Cảnh sát biển nhiều anh em đã từng lăn lộn tại quần đảo Trường Sa.

Trên tháp pháo, Thiếu úy Nguyễn Xuân Hưng, nhân viên pháo của tàu đang đưa mắt nhìn vào kính ngắm, đôi bàn tay thoăn thoắt xoay mâm điều khiển. Nòng súng chĩa thẳng lên trời, ánh mắt của người xạ thủ luôn dõi về phía trước.

Thượng úy Đặng Lê Sơn, Thuyền phó tàu 4033 kể lại kỷ niệm trong những chuyến bám biển. Ngày 23-9-2011, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại vùng biển Quảng Ngãi, anh em trên tàu phát hiện tàu Xuân Chiểu mang số hiệu SG 3626 đang bị chết máy, trôi dạt trên biển, tọa độ cách đảo Lý Sơn 40 hải lý về phía Bắc.

Cập mạn, con tàu nóng ran, cán bộ, chiến sĩ khẩn trương giúp các ngư dân khắc phục, chống cháy, nổ tàu, hỗ trợ về nước ngọt và lương thực cho tàu bị nạn. Thợ máy kỳ cựu trên tàu Cảnh sát biển được cử qua "khám bệnh" cho con tàu đang trôi nổi trên biển. Chỉ sau thời gian ngắn, chiếc tàu đã nổ máy khởi động trở lại. Con tàu rung lên theo niềm vui của các thuyền viên. Anh em trên tàu Cảnh sát biển tiếp tục hải trình ra khơi. Các thuyền viên trên tàu bị nạn vẫy tạm biệt cảm ơn những người lính biển hào hiệp.

Trong một chuyến đi khác vào đầu tháng 4 - 2011, trên đường tuần tra ra đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, anh em trên tàu Cảnh sát biển đã gặp một tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 95406 TS bị nạn. Tất cả ngư dân trên tàu do nhiều ngày lênh đênh trôi trên biển, mặt mũi phờ phạc vì sóng gió. Thượng tá Lý Ngọc Minh, Phó Chỉ huy, Tham mưu trưởng Vùng 2 Cảnh sát biển lệnh cho cán bộ, chiến sĩ tập trung khắc phục sự cố, hỗ trợ nước ngọt, dầu để tàu tiếp tục hành trình. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió trên nóc tàu ngư dân, anh em Cảnh sát biển chia sẻ: "Giữa trùng khơi, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng lắm. Biểu tượng đó giống như cột mốc giữa trùng khơi Trường Sa".

Những kỷ niệm mang tên "Cảnh sát biển"

Trong phòng khách của tàu Cảnh sát biển 6006 treo một tấm Huân chương ở vị trí trang trọng. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu cho biết: Trước đó, chiếc tàu này thuộc lực lượng Hải quân và biên chế qua lực lượng Cảnh sát biển. Nhiều năm trụ bám ở Trường Sa, con tàu đã chứng kiến biết bao câu chuyện vui, buồn của tình đồng đội trên biển khơi.

Khi ra Trường Sa, anh em trong Đội tàu Cảnh sát biển thường đến thăm các gia đình đang sinh sống trên đảo. Một chiến sĩ tâm sự: "Nhìn vào khuôn mặt những em thơ trong các gia đình, chúng tôi cảm thấy sự gian nan của mình thật chẳng đáng là bao. Anh em như được tiếp thêm nghị lực để bảo vệ biển khơi".

Trong một chuyến đi Trường Sa, Thiếu úy Hoàng Văn Sáu, nhân viên máy tàu, quê huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa nhận được tin người mẹ già ở quê lại lên cơn đau tim. Chỉ kịp gọi điện về nhà động viên gia đình đưa mẹ vào viện cấp cứu, Thiếu úy Sáu lại lên tàu nhổ neo ra khơi. Ngày tàu cập bến, anh mới tất tả mang món quà của chỉ huy và anh em đơn vị đón xe về quê thăm mẹ.

Còn Trung úy Ngô Thế Đăng, nhân viên máy tàu, gia đình ở tận tỉnh Bắc Giang. Đúng lúc tàu nhổ neo rời bến, anh nhận được tin con ốm nặng. Nhưng, ra khơi, mỗi người lính đều có vị trí và nhiệm vụ riêng trên con tàu. Hiểu điều này, anh cắn môi nhìn ra biển xa xăm, theo con tàu vượt trùng khơi.

Có gia đình thấy con đóng quân biền biệt ở miền Trung, một năm về phép một lần nên lo sắp chuyện tơ duyên cho con. Tết năm 2011, Thiếu úy Phan Văn Trung, nhân viên pháo và Thiếu úy Trần Văn Quân, nhân viên máy của tàu 4033 về quê ở tận Nghệ An để ăn Tết và thực hiện lời hẹn ước với người thương. Khi hai chàng lính biển về quê thì mọi đồ sính lễ của nhà trai đã sắp đủ, bố mẹ cùng con sang nhà gái rước dâu.

Trong hành trang của Thuyền trưởng Tuyên còn có những tấm ảnh của mái ấm gia đình. Quê ở tỉnh Quảng Ninh, hàng ngày vợ anh vừa đi dạy, vừa chăm sóc đứa con trai kháu khỉnh 2 tuổi. Ở miền Trung xa xôi, thỉnh thoảng anh "thăm" vợ qua... điện thoại. Là thuyền trưởng, trách nhiệm đứng mũi chịu sào anh phải gác niềm riêng cho anh em noi theo. Đối với anh, tàu là nhà, biển đảo là quê hương. Người lính này luôn sát cánh với anh em trên tàu. Khi có lệnh là con tàu lập tức nhổ neo ra khơi.

"Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hợp đồng, giữ nghiêm kỷ luật", đó chính là phương châm của những người lính Cảnh sát biển. Phương châm đó giúp các anh vững vàng trên biển cả.

Chúng tôi phải chia tay với những người lính biển. Các anh lại nổ máy cho tàu rẽ sóng ra khơi. "Anh như con tàu lắng sóng từ 2 phía, biển một bên và em một bên..." - bài hát "Chút thư tình của người lính biển" đã nói thay cho tấm lòng của các anh - lời một bên là người thân thương và bên kia luôn là biển cả. Các anh phải san sẻ tình yêu với biển để biển khơi luôn bình yên.

Lê Văn Chương