PTO- Cẩm Khê là huyện có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Cho đến tận bây giờ không một ai ở đây còn nhớ chính xác những làng nghề có từ bao giờ, chỉ biết rằng các làng nghề này qua các thế hệ cha truyền con nối đã tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Là vùng đất bán sơn địa, dân số đông gần 13 vạn người, cư trú ở 30 xã và 1 thị trấn, nguồn sống chính dựa vào nghề nông. Nhưng người dân Cẩm Khê đã giải quyết vấn đề "nông nhàn" bằng nhiều nghề và chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đa ngành nghề, trong đó chú trọng khôi phục thế mạnh sản xuất của nghề và các làng nghề, đưa giá trị của lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đạt 48 tỷ đồng/năm, chiếm trên 40% tỷ trọng cơ cấu sản xuất của huyện hàng năm, giải quyết được việc làm cho trên 5.000 lao động với thu nhập tăng thêm bình quân từ 800.000- 1.500.000 đồng /người/ tháng.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề và làng nghề ở Cẩm Khê lúc lên lúc xuống song vẫn theo chiều hướng theo phát triển. Từ khi NQ 42-NQ/TU ngày 25-11-2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “phát triển tiểu thủ công nghiệp thời kỳ 2006-2010” ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, giúp làng nghề ở Cẩm Khê có nhiều khởi sắc trở lại.
Huyện khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khác như mây giang đan xuất khẩu, kết bèo tây xuất khẩu, đồ gỗ trạm khảm mỹ nghệ, chè, đan lát, mành cọ... là những nghề thuộc thế mạnh của địa phương được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, khách hàng ưa chuộng.
Hiện toàn huyện có 10 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là: Làng mộc Dư Ba xã Tuy Lộc, làng đan lát Ngô Xá, Tùng Khê, làng nón Sai Nga, Sơn Nga; làng chế biến nông lâm sản Tiền Phong xã Hương Lung, chế biến mỳ bún bánh Thạch Đê xã Hiền Đa; làng sản xuất chế biến chè Đá Hen xã Đồng Lương; làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm xã Tuy Lộc; làng sản xuất đồ thờ cúng xã Hiền Đa. Năm 2012, doanh thu từ các làng nghề đạt trên 100 tỷ đồng, thu hút và giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Cùng với đó 3 cụm làng nghề gắn với du lịch cũng đang được hình thành là cụm làng nghề du lịch Tuy Lộc- Ngô Xá- Tiên Lương; cụm làng nghề du lịch Tùng Khê- Văn Bán; cụm làng nghề du lịch Sai Nga. Các cụm làng nghề này đang được huyện đầu tư triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu làng nghề, thương hiệu sản phẩm ra thị trường.
Ở làng nón Sai Nga, Sơn Nga, vốn vẫn chỉ sản xuất nhỏ lẻ nhưng đến nay ở 2 làng này đã có gần 1000 lao động, với doanh thu đạt 9,5 tỷ đồng và mức thu nhập, bình quân đạt 0,8-1,3 triệu đồng/ người/ tháng.
Ở làng mộc Dư Ba xã Tuy Lộc với sản phẩm chủ yếu là đồ mộc gia dụng phổ thông, làng nghề đã giải quyết được việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho gần 500 lao động, doanh thu đạt trên 21 tỷ đồng, thu nhập đạt gần 8 tỷ đồng, bình quân đạt 1,5-1,7 triệu đồng/ người/ tháng, cao hơn so mức bình quân chung nhóm lao động thuần nông trong vùng. Hiện làng nghề đã phát triển các sản phẩm mới: Trạm khắc tinh xảo, tiện, khảm trai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Các làng chế biến nông lâm sản Tiền Phong xã Hương Lung đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 400 lao động, với thu nhập ổn định từ 1,5-2,5 triệu đồng /người/ tháng. Làng nghề bún bánh ở Hiền Đa hiện thu hút hàng chục hộ tham gia sản xuất bún khô, bún tươi, gói bánh gai đặc sản.
Làng chế biến Chè Đá Hen, Đồng Lương vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang thuận lợi, nhu cầu sản xuất tăng, người dân làng chè Đá Hen còn tổ chức thu mua chè búp tươi của các xã lân cận về chế biến. Mỗi năm các hộ dân trong làng chế biến khoảng hơn 8.000 tấn chè búp tươi, cung cấp cho thị trường trên 1.500 tấn chè khô. Năm 2012 doanh thu từ nghề đạt trên 18 tỷ đồng. Thu nhập của làng đạt khoảng 7-8 tỷ đồng. Những lao động chính cơ bản có mức thu nhập đạt 5-6 triệu đồng/ người/tháng. Chè sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Đặc biệt ở Cẩm Khê có 1 làng nghề mới, nhưng ai cũng biết đến đó là làng cá chép đỏ thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc. Cứ mỗi năm vào dịp Tết ông Táo, làng cung cấp trên dưới 40 tấn cá chép đỏ cho nhân dân khắp cả nước. Bình quân thu nhập đầu người trong thôn đạt từ 20-50 triệu đồng/năm.
Cẩm Khê hôm nay đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà khang trang mọc lên thay thế nhà mái lá. Và điều rất dễ nhận ra là những làng nối dài từ Ngô Xá đến Đồng Lương, đâu đâu cũng vang lên âm thanh của làng nghề, tạo nên một bức tranh làng quê sinh động.
Tuy nhiên để làng nghề và làng có nghề ở Cẩm Khê phát triển bền vững, người dân làm nghề còn cần được trang bị thêm những kiến thức và kỹ thuật mới, cũng nhờ các trang thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời các điều kiện về đường điện, đường giao thông thuận lợi, được vay vốn ưu đãi cũng cần được đáp ứng để hỗ trợ sản xuất, tạo cho bộ mặt nông thôn làng nghề thực sự có nhiều khởi sắc.
Kim Khánh