Người dân khu 3, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, chủ động dự trữ nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc trong mùa đông.
PTĐT - Những ngày qua, Phú Thọ cũng như nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã đón đợt không khí lạnh đầu tiên, do nền nhiệt độ thay đổi khiến đàn vật nuôi giảm sức đề kháng gây nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, thương hàn. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai các biện pháp, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh và đói, rét trên đàn gia súc, gia cầm.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, toàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn trên 800 nghìn con; đàn gia cầm trên 14,3 triệu và đàn trâu, bò hơn 183 nghìn con. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau mưa lũ gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi sản xuất. Tuy nhiên, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm, chú trọng, do vậy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã kịp thời khống chế 4 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM), 12 ổ bệnh dại trên đàn chó và 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6.
Thời điểm hiện tại, thời tiết đã chuyển mùa, nền nhiệt độ thay đổi nên các loại vi khuẩn, vi rút có điều kiện thuận lợi phát triển làm gia tăng nguy cơ gây bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: LMLM, tụ huyết trùng, dịch tả, tai xanh trên đàn lợn; cúm gia cầm, Niu-cát-xơn trên đàn gia cầm, bệnh dại trên chó mèo và một số bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi trong mùa đông như thương hàn, hen suyễn… Hiện Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã chỉ đạo trạm chăn nuôi - thú y các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động công tác phòng chống dịch bệnh và chống đói rét cho đàn vật nuôi.
Tại huyện Thanh Sơn, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đã được Trạm Chăn nuôi - thú y huyện chủ động triển khai, hướng dẫn đến các xã và từng hộ chăn nuôi. Trạm Chăn nuôi - thú y huyện phối hợp với các xã thường xuyên tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, các nguy cơ truyền nhiễm các bệnh dịch nguy hiểm, đặc biệt là dịch bệnh tả lợn Châu Phi; hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; thành lập các tổ tiêm phòng tại các xã, thị trấn triển khai công tác tiêm phòng đảm bảo chuyên môn, tiến độ kế hoạch đề ra nhằm tránh thiệt hại cho người chăn nuôi.
Xã Địch Quả là địa phương có lượng đàn gia cầm lớn của huyện Thanh Sơn và cũng là địa phương bị ảnh hưởng lớn trong đợt mưa lũ hồi tháng 7 vừa qua. Để đảm bảo khôi phục sản xuất chăn nuôi hiệu quả, bên cạnh việc đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng trại chăn nuôi, xã đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh dịch. Ông Đinh Văn Tình - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi - thú y huyện, chúng tôi đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay, xã đã tập trung tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp chống rét, tu sửa, che chắn chuồng trại, khuyến cáo bà con dự trữ thức ăn, tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.
Trong thời gian gần đây, tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng lây lan rộng, nguy cơ lớn xâm nhiễm vào nước ta. Để ngăn chặn, tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và bệnh dịch tả lợn Châu Phi; phân công các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung tăng cường kiểm soát dịch bệnh; khuyến cáo các hộ dân tuân thủ các quy định về kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi để hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh; các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện, xử lý ổ dịch phát sinh, đối với các địa phương có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua cần chú trọng khâu kiểm soát vận chuyển giống vào địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tăng cường xử lý vi phạm trong hoạt động mua bán, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch từ các địa phương khác vào tỉnh.
Người dân khu 3, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, chủ động dự trữ nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc trong mùa đông.
Ông Nguyễn Tất Thành - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, chống đói rét cho đàn vật nuôi, Chi cục đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tiêm phòng vắc-xin đợt 2 năm 2018 cho đàn vật nuôi, dự kiến sẽ được triển khai vào cuối tháng 10, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng tại các địa phương trong toàn tỉnh đạt 80% trở lên. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã có văn bản chỉ đạo trạm chăn nuôi - thú y các huyện, thị, thành và hệ thống nhân viên thú y các xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện, phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chú ý chế độ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, bổ sung nước, thức ăn thô; sử dụng nền đệm lót sinh học; dữ trự thức ăn, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi; tiêm phòng định kỳ và tiêm bổ sung các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cán bộ thú y; thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi 1 lần/tháng. Chú trọng khâu chọn giống, để đảm bảo đàn vật nuôi sạch bệnh, phát triển tốt.
Cùng với thực hiện tốt công tác thú y, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực hướng dẫn hộ chăn nuôi cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại, thực hiện các biện pháp che chắn chuồng trại, tăng cường bóng đèn và các thiết bị sưởi ấm; bổ sung thêm các vitamin tổng hợp, Bcomplex và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe, sự phát triển tốt nhất cho đàn vật nuôi.
Trong những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C, tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc và chăn thả tự do ngoài trời; chủ động làm chuồng quây, úm để sưởi ấm cho lợn con và gia cầm giống; không chăn thả trâu, bò quá sớm khi chưa có ánh nắng mặt trời. Đối với các xã vùng cao tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… người chăn nuôi thường có tập quán chăn thả rông gia súc, gia cầm nên cần chủ động đưa trâu, bò về các khe núi, vùng thấp nuôi nhốt tại chuồng và áp dụng các biện pháp giữ ấm cho đàn vật nuôi. Đối với gia súc già, yếu, gia cầm non, cần có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Dự báo, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, các đợt rét đậm, rét hại, mưa phùn và độ ẩm cao có thể xảy ra. Vì vậy, người chăn nuôi cần thận trọng, không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đề cao cảnh giác với các yếu tố dễ phát sinh dịch bệnh, chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Thùy Phương