Làng “độc”
(PTĐT) Cái làng quy tụ những cuộc đời phiêu bạt, từ thời chế độ cũ. Họ từng là con nghiện, gái nhảy, gái mại dâm và vợ con của hàng binh lê dương của Pháp. Hàng trăm thân phận con người trong chế độ cũ chẳng những đã tìm lại được cuộc đời đích thực của mình mà còn tạo dựng nên cuộc sống mới cho các thế hệ tương lai tại nơi đây. Cái làng độc nhất đó là "Làng bảo trợ xã hội Đoan Hùng" thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH Phú Thọ.
![]() |
Buổi đi làm của các chị em làng xã hội |
Chúng tôi về thăm Trung tâm bảo trợ xã hội vào một ngày cuối tháng bảy. Cái nắng nóng 37oC dường như dịu lại khi hiện ra trước mắt màu xanh ngặt của những đồi cây trái ôm quanh thung lũng. Tiếp chúng tôi Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quốc Sửu nói như thể "khoe" về những cố gắng trong phát triển kinh tế của đội Tự lực. Đội Tự lực "thoát ly" khỏi Trại năm 1974, lập nên "làng Xã Hội". Nói là "thoát ly" nhưng họ chỉ tự lực về kinh tế còn vẫn phải "sống nhờ" trên đất Trung tâm bảo trợ xã hội. Ngày mới thành lập, những công dân của làng phải đối mặt với bao khó khăn. Trước mắt là chống chọi với cái đói, cái nghèo, sau nữa là phải nghĩ cách làm sao để thoát khỏi nó và vươn lên làm giàu. Đến nay trên 100 con người trong diện đối tượng của trại năm xưa và con cháu họ đã thực sự sống tự lực trên mảnh đất của Trung tâm giao cho và ngôi làng xã hội dù đang trong quá trình hoàn thiện nhưng khuôn viên quy hoạch thì đã dần rõ nét.
Ông Viễn (Trưởng phòng sản xuất hướng nghiệp) - "pho sử sống" của Trung tâm bảo trợ xã hội, người đã gắn bó với mảnh đất và các đối tượng của Trại Tự lập từ những năm đầu thành lập, cho biết: "Năm 1969, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập Trại sản xuất Tự lập đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Vụ An toàn xã hội. Khi đó, Trại có nhiệm vụ thu nhận và giáo dục bồi dưỡng nhân cách cho những người lang thang xin ăn không rõ quê quán hoặc những người lang thang đã đưa về địa phương nhưng vẫn trốn ra thành phố. Nói là người lang thang, cơ nhỡ nhưng cũng nhiều "nhân vật" có lý lịch bất hảo lắm, họ thuộc đủ mọi hạng người, từ dân nghiện hút rồi gái mại dâm, những kẻ tứ chiếng giang hồ đều được đưa vào đây giáo dưỡng, ngoài ra còn có vợ con của hàng binh (lính lê dương thời Pháp). Với chức năng thông qua lao động cải tạo chúng tôi giúp họ hoàn lương rồi đưa họ trở về quê hương sinh sống. Chết nỗi những cô, những bà trong thời Pháp làm gái nhảy, hay những người từng làm vợ của lính lê dương họ mặc cảm với quá khứ của mình nên sau thời gian ở đây, nhiều người không muốn về quê. Họ vin đủ mọi lý do, nào là đã quên mất tên quê, tên nhà hoặc gia đình không còn ai... Thế là chúng tôi phải tiếp nhận tất cả và phải lo cho họ cuộc sống lâu dài trên mảnh đất này. Làng xã hội hình thành từ đấy".
Trước đây những ai từng là vợ, con của hàng binh thường chịu nhiều dị nghị, bị người đời dè bỉu, khinh ghét. Số phụ nữ từng là vợ của hàng binh Pháp tập trung tại khu bảo trợ khá đông. Vào đây họ vẫn sống trong mặc cảm, tự ti, thậm chí xa lánh với thế giới bên ngoài. Nhiều đứa con lai thể hiện rõ thái độ chống đối, làm loạn. Vào những năm 80, từ Cầu Hai ngược lên phía Yên Bái, bọn chúng lập thành từng nhóm, chuyên trấn lột, móc túi người đi đường. Vì những "thành tích" bất hảo như thế nên các cán bộ không sắc phục của Trung tâm đã phải kết hợp với công an và chính quyền địa phương dùng nhiều biện pháp chuyên chế, nhờ đó ANTT trên địa bàn này mới dần đi vào ổn định.
Theo chân ông Viễn, chúng tôi đến thăm một số gia đình trong làng Xã hội và được nghe những câu chuyện rất thật, thật tới mức có thể hình dung được một góc xã hội tối tăm của chế độ cũ.
Bà Lê Thị Mùi, 72 tuổi, thoạt đầu rất dè dặt khi tiếp chuyện chúng tôi. Tôi không ngạc nhiên khi thấy bà Mùi có thái độ như vậy bởi trước khi vào làng Xã hội, ông Viễn đã rỉ tai: "Nói chuyện gì thì nói nhưng đừng động chạm tới quá khứ, mấy mươi năm trôi qua song họ vẫn còn mặc cảm lắm". Điều ông Viễn nói có lẽ chỉ đúng phần nào bởi chỉ sau phút e dè ban đầu, những người tôi gặp đều khá cởi mở khi kể về cuộc đời của mình.
Bà Mùi bắt đầu câu chuyện với giọng bùi ngùi: Năm 9 tuổi, khi tôi đi chợ cùng bố (bà Mùi không nhớ rõ tên bố mẹ) có 2 thằng Nhật cuốn xà cạp đỏ tròng dây thừng vào cổ ông ấy kéo đi. Kể từ giây phút đó, tôi bắt đầu cuộc sống lang thang phiêu bạt khắp nơi, làm muối ở làng Phục- Đông Triều, rồi làm thân tôi đòi cho nhà địa chủ… Chúng nó ác lắm, một ngày đánh tôi vài trận. Không chịu nổi, tôi bỏ trốn. Thế nào lại để chúng bắt được. Tôi vẫn nhớ thằng địa chủ là Nguyễn Văn Năm cho lính trói tay, trói chân tôi lại rồi lấy dây thép treo lên xà nhà, dùng roi mây đánh. Tối hôm đó, sau khi đã đánh mỏi tay, nó đem tới một chậu phân tươi rồi bắt tôi phải ăn. Tôi ăn. Không đắng, không cay, chỉ thấy nhăng nhẳng, dính dính... Cả đêm đó, tôi bị trói ngồi trong chậu phân lúc nhúc giòi bọ ấy. Sau cái đận ấy ít lâu tôi lại trốn và lại bị bắt. Lần này thằng Năm rút ra con dao nhíp, nó gào lên: Con Liên! (tên do nó đặt), hôm nay tao sẽ xẻo tai mày nhắm rượu. Tôi tưởng nó chỉ dọa thôi, không ngờ nó cắt tai tôi thật… Như sợ tôi không tin, bà Mùi đưa tay vén tóc lên, tôi thấy tai phải của bà chỉ còn lại 1/3... Bà kể tiếp: "Năm 1958, tôi buộc phải lấy một hàng binh người Ma Rốc, từng đi lính cho Pháp tên là MiditBenny. Là bị bắt ép, chứ tôi không tự nguyện. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản: Chồng nào cũng là chồng, cứ cưới xin đàng hoàng là được. Ai ngờ sau này nó lại trở thành nỗi khổ nhục đeo đẳng…".
Sau tiếng thở dài, gương mặt bà Mùi giãn ra, bà nói như khép lại quá khứ thương đau của mình: "Tôi đâu nghĩ lại có ngày hôm nay, có một căn nhà, mảnh vườn trong làng Xã hội, thật chẳng dám mơ gì hơn".
Lần tìm lại hồ sơ lưu trữ của Trung tâm, chúng tôi thấy còn nhiều đối tượng "bán trôn nuôi miệng" được đưa vào đây giáo dưỡng. Ví như bà Nguyễn Thị T, với lí lịch bất hảo do Trưởng ty Công an Nam Định ghi trong hồ sơ "T vào nghề mại dâm từ năm 1921. Năm 1953, T ra Hải Phòng làm gái nhẩy cho các chủ tiệm nhà thổ để kiếm tiền... hồi địch còn, T lấy Tây lê dương rồi lại lấy lính, cứ hết người này đến người khác"… Với cái lí lịch như thế, vào Trung tâm từ những năm đầu còn xanh, bà T là một trong những trại viên cá biệt chẳng biết sợ ai, quậy phá đủ trò. Thế rồi được sự cảm hóa của các cán bộ, bà T đã dần thức tỉnh và trở thành công dân của làng Xã hội. Cho đến khi về với cõi vĩnh hằng (thọ trên 80 tuổi) bà T đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó ở đây.
Cứ thế, mỗi hồ sơ chúng tôi đọc được đều như những thước phim sống động về số phận những con người nơi đây. Tuy người còn, người mất nhưng có một điểm chung đó là họ đã cố gắng vượt lên trên số phận nghiệt ngã để... sống. Nhiều gia đình của làng Xã hội đã tự lực phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm trên phần đất được Trung tâm giao cho. Thế hệ con cháu họ đã làm được nhà xây, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như gia đình anh Nguyễn Văn Hùng hay gia đình chị Nguyễn Thị Bảo đã có con học đại học...
Ông Sửu - Giám đốc Trung tâm chia sẻ với chúng tôi: "Vấn đề lớn nhất của Trung tâm bây giờ là làm sao giải quyết nhu cầu đất đai để làm nhà ở và canh tác cho các công dân trong làng Xã hội. Trong khi quỹ đất đang thu hẹp (đã "san sẻ" cho Trung tâm cai nghiện 30ha), còn lại 51ha thì các thành viên Tự lực đã chiếm mất một nửa rồi".
Bằng giọng buồn buồn, Anh Nguyễn Văn Hùng, đội Tự lực tâm sự: "Chính quyền địa phương tự thấy không đủ thẩm quyền quyết định việc cấp đất, làm sổ đỏ vì quỹ đất của huyện hiện nay cũng không còn(?). Vì thế Trung tâm chỉ còn cách chia đất, giao đất cho chúng tôi làm ăn. Theo hình thức "rót nước từ ấm ra chén" Tất cả các gia đình trong Trung tâm chung nhau một "bìa đỏ" nên chẳng ai có thể đem nó thế chấp để vay tiền ngân hàng. Không còn cách nào khác là chúng tôi phải đi vay vốn với lãi suất cao bên ngoài. Bản thân tôi đã phải xoay đủ nghề. Đi làm vàng, tìm đá đỏ, nghề nào cũng làm chỉ vì muốn có vốn để đầu tư cho sản xuất. Nhiều nhà trong đội Tự lực phải bán cả lúa non để trả lãi vay!"...
Theo tìm hiểu chúng tôi biết, con cháu của một số gia đình trong làng Xã hội đã "thoát ly" vào Nam hoặc tới các vùng miền khác để làm ăn. Không phải là họ muốn xa gia đình mà có lẽ trong thâm tâm, họ vẫn nuôi giữ những mặc cảm về một thời lầm lỡ của thế hệ trước. Hay còn vì một lý do nào khác? Phải chăng họ ái ngại, nếu ở lại đây, bản thân họ sẽ trở thành gánh nặng, thành thân phận "tầm gửi" của Trung tâm (?)
Lời tâm sự của một thành viên trong đội Tự lực cứ ám ảnh tôi suốt trên quãng đường về: "Đời cha mẹ tôi đã cay đắng rồi, chẳng lẽ đến đời chúng tôi, rồi đời con cháu chúng tôi vẫn không thể hòa nhập với cộng đồng hay sao?". Việt Hà