PTĐT - Bánh sắn là món quà quê với hương vị dân dã, khơi gợi ký ức tuổi thơ của nhiều người con Đất Tổ. Bánh sắn có thể làm từ bột củ sắn tươi hoặc bột sắn khô. Hầu hết người dân Phú Thọ đều biết làm bánh sắn nhưng để làm ra chiếc bánh sắn ngon, đậm đà, mềm dẻo thì không phải ai cũng làm được.
Chị Đỗ Thị Kim Sinh ở khu 10, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì làm bánh sắn đã lâu. Chị chia sẻ: Trước đây, chỉ có món bánh sắn nhân đũa (kiểu làm bánh chay và để cho bánh chín nhanh, chín đều thì lấy chiếc đũa trọc một lỗ giữa bánh nên gọi là bánh sắn nhân đũa). Giờ thay vào đó là nhân đỗ, thịt, hành và mộc nhĩ băm nhỏ nên mùi vị thơm ngon, béo ngậy, ăn hấp dẫn hơn nhiều.
Để làm được bánh sắn ngon, cũng cần có những bí quyết riêng: Từ khâu nhào bột người làm bánh cũng phải thật tinh tế, nước sôi đun sẵn sẽ được dội từ từ vào chậu bột khô, vừa dội nước vừa dùng đũa đảo nhanh tay để bột hòa vào với nước. Sau khi nước và bột quyện lại với nhau, nhào thật kỹ đến khi bột thật dẻo. Càng nhào kỹ bánh sẽ càng dẻo và ngon. Phần nhân bánh cũng chiếm vai trò quan trọng tạo nên độ ngon của bánh. Bánh sắn có nhân là đỗ là chủ đạo, cùng chút hành khô thái nhỏ phi thơm. Để có nhiều lựa chọn cho khách hàng và tăng thêm hương vị cho bánh, người thợ có thể cho thêm sẽ thêm thịt lợn băm nhỏ, mọc nhĩ, hành lá tùy ý.
Người thợ nặn bánh quen tay, sẽ biết đong sao cho bánh đều. Tương tự như các loại bánh có nhân khác, bánh sắn thường được nặn thành hình tròn, bầu dục. Bánh nặn xong thì cho vào nồi đồ xôi đem hấp chín.
Khi thưởng thức, bánh sắn Phú Thọ sẽ mang đến những dư vị khó quên. Có độ dẻo thơm, ngọt của bột sắn hòa vào vị bùi của đỗ, vị thơm của hành, vị béo của thịt, vị thơm của lá chuối. Tất cả gợi cảm giác ngon miệng mỗi khi thưởng thức, nhớ tới hương vị quê hương nơi miền trung du.
Nội dung: Mộc Lâm
Thiết kế: Ngọc Tùng