Những ngày vượt sóng ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi được ghé thăm, trò chuyện cùng các cán bộ, nhân viên của Trạm hải đăng Trường Sa, nghe các anh chia sẻ về công việc và cuộc sống sinh hoạt của mình.
Anh Bùi Đức Tùng kiểm tra, bảo dưỡng đèn.
Bỏ lại sau lưng những bậc cầu thang xoắn ốc và dốc, chúng tôi cùng anh Bùi Đức Tùng, nhân viên Trạm hải đăng Trường Sa đã đặt chân lên đỉnh tháp. Gió khá mạnh, anh liên tục nhắc chúng tôi: “Ở trên cao chỉ cần sơ xuất là xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào, nên các anh, chị hãy cẩn thận”. Anh Tùng sinh năm 1986, có vợ và hai con nhỏ ở Hải Phòng. Anh từng công tác ở các trạm hải đăng ở các điểm đảo: Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Lát, Tiên Nữ và nhà giàn DK1/7 (Nhà giàn Huyền Trân).
Hải đăng Trường Sa là một trong số chín trạm trên các điểm đảo ở Trường Sa, do Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Bộ Giao thông vận tải) quản lý, bảo trì bảo dưỡng, vận hành. Việc xây dựng trạm hải đăng trên các đảo được bắt đầu khi đường hàng hải quốc tế được mở rộng trên biển và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Anh Tùng cho biết: Đèn bây giờ là đèn cảm biến, sử dụng năng lượng mặt trời. Hằng ngày, khoảng 17 giờ 30 phút đèn tự sáng và 5 giờ 30 phút hôm sau, khi trời sáng sẽ tự tắt. Nhờ đó, công việc của anh em cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, môi trường nước biển mặn và gió biển dễ làm hư hỏng máy móc, thiết bị nên hằng ngày đều phải kiểm tra tổ hợp điện, kiểm tra ắc-quy; khi năng lượng yếu thì phải kịp thời dùng máy nổ, máy phát điện, bảo đảm cho đèn sáng.
Với 16 năm liên tiếp gác hải đăng ở Trường Sa, anh Đỗ Văn Lợi đã có thời gian công tác ở cả 9 trạm. Từng làm ở Trạm hải đăng Trường Sa hồi 2014, cách đây vài tháng, anh tiếp tục trở lại đây công tác. Anh Lợi chia sẻ: Cán bộ, nhân viên các trạm luôn giúp đỡ, đùm bọc nhau trong công việc và cuộc sống. Xây dựng mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp với các lực lượng trên đảo và bà con ngư dân”. Anh chia sẻ thêm: “Thợ nhà đèn các trạm hải đăng ở đảo nổi như Trường Sa thuận lợi hơn, còn các trạm hải đăng ở các đảo chìm, nhà giàn DK1, anh em vất vả hơn nhiều, đặc biệt là khi mưa bão, sóng to, gió lớn. Ngày chưa có pin từ năng lượng mặt trời, chúng tôi phải chạy máy phát điện suốt đêm và trực canh, không được để cho đèn bị tắt”.
Giữa biển khơi bao la, bất kể nắng hay mưa, dù mùa biển lặng hay bão tố và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, những ngọn hải đăng ở Trường Sa và hải đăng ở các nhà giàn DK1 đều được thắp sáng. Ngoài chức năng hỗ trợ, định hướng cho tàu thuyền di chuyển trong đêm tối giữa đại dương, các ngọn hải đăng còn là cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Với tính chất công việc, môi trường làm việc đặc biệt, nhân dân trên các đảo và bà con ngư dân vẫn thường gọi cán bộ, nhân viên các trạm hải đăng là “lính nhà đèn”. Ngần ấy năm gắn bó với các trạm hải đăng, cũng là ngần ấy năm phải sống xa gia đình. Dù thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng các anh luôn nỗ lực, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ra với Trường Sa - một phần máu thịt của Tổ quốc, đứng trên đỉnh tháp hải đăng, phóng tầm mắt phía xa, càng thấy yêu Tổ quốc mình biết nhường nào!
Theo Trung Hiếu/nhandan.vn