Minh bạch tài sản và thu nhập
Sự thành công của một cá nhân hay một doanh nghiệp luôn cần được xã hội cổ vũ, tôn vinh, ngưỡng mộ (“Ai giàu nhất VN?”, Tuổi Trẻ 15-1).

Minh bạch tài sản và thu nhập

Minh bạch tài sản và thu nhập

Thị trường chứng khoán phát triển và giá cổ phiếu tăng đã giúp nhiều người giàu lên. Trong ảnh: Trong một phiên giao dịch chứng khoán

Sự thành công của một cá nhân hay một doanh nghiệp luôn cần được xã hội cổ vũ, tôn vinh, ngưỡng mộ (“Ai giàu nhất VN?”, Tuổi Trẻ 15-1). Và sự thành công ấy cần được xem là niềm tự hào của xã hội. Bởi họ là người góp phần lớn tạo ra của cải cho xã hội, cho sự phồn vinh của đất nước này.

Chúng ta cũng biết các nước phát triển luôn cố gắng minh bạch tài sản và thu nhập, việc xếp hạng người giàu là chuyện bình thường. Vậy tại sao chúng ta cố gắng giấu giếm tài sản hiện có và nguồn thu nhập của mình? Liệu đó có phải là một tập quán trì trệ?

Trong 20 năm đổi mới, khu vực tư nhân luôn đi trước khu vực nhà nước trong thay đổi các tập quán trì trệ. Mong rằng việc công khai tài sản không là ngoại lệ. Nhất là khi dự thảo nghị định về “minh bạch tài sản và thu nhập” đang được Chính phủ gấp rút thông qua. Theo đó, cán bộ nhà nước có trách nhiệm minh bạch tài sản và thu nhập của mình. Việc các doanh nhân nói riêng, công dân nói chung, công khai thu nhập và tài sản là cần thiết.

Vì qua đó Nhà nước và công chúng mới biết mà thực hiện vai trò cổ vũ, tôn vinh và ngưỡng mộ của mình dành cho người tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Mặt khác, cũng qua đó Nhà nước và công chúng mới có thể giám sát và phát hiện người có nguồn thu cá nhân bằng con đường phi pháp.

Cũng thừa nhận rằng trong mặt bằng chung của dư luận xã hội hiện nay, việc công bố “người giàu nhất” vẫn còn là nhạy cảm. Nên cũng dễ lý giải tại sao “những người giàu” đã có phản ứng. Một góc độ khác, lịch sử cũng đã mang nhiều nỗi lo cho giới doanh nhân và người giàu. Họ như “chim bị tên luôn sợ cây cong”. Dù rằng báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng X một lần nữa khẳng định “khuyến khích làm giàu hợp pháp”, nhưng hình như người giàu vẫn chưa an tâm.

“Những người giàu” còn phản ứng khi số liệu tài sản của mình được công bố không chính xác. Tài sản của ông Trương Gia Bình (tổng giám đốc Công ty FPT) không chỉ là lượng cổ phiếu tại FPT mà còn có thể có các khoản đầu tư của ông trong các công ty khác, và phải trừ đi các khoản ông vay.

Thế nhưng báo chí VN không thể có chính xác các số liệu đó, bởi chúng ta chưa có một hệ thống định giá tin cậy để xác định tài sản một cách chính xác, chưa có một hệ thống thống kê tài sản minh bạch, hệ thống kế toán - kiểm toán và giám định rõ ràng. Theo TTO