Năm 2017 người dân xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn được hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại như máy bừa, máy cắt cỏ, máy phun thuốc trừ sâu… phục vụ sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao.
PTĐT-Những năm qua, nhờ thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ vốn, vật tư, tư liệu sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế... đã giúp bà con vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phát triển sản xuất, hướng đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tỉnh ta có 34 dân tộc sinh sống, trong đó có trên 230.000 là người DTTS, chiếm 16% dân số của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… Tìm hướng thoát nghèo cho bà con vùng DTTS và miền núi luôn là “bài toán” khó đối với các địa phương. Tân Sơn là huyện có tỷ lệ người DTTS chiếm trên 80% dân số, người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất; hỗ trợ người dân chuyển đổi các giống cây trồng cũ, kém hiệu quả sang các giống chất lượng, cho năng suất cao. Năm 2017, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã hỗ trợ sản xuất cho 1.275 hộ dân, trong đó có 737 hộ nghèo, 482 hộ cận nghèo và 56 hộ mới thoát nghèo với tổng nguồn vốn trên 6,8 tỷ đồng.
Với lợi thế diện tích đồi rừng lớn, nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn dồi dào, Tân Sơn xác định chăn nuôi đại gia súc là hướng phát triển kinh tế bền vững giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, trong đó nuôi dê sinh sản được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã thực hiện rà soát các xã nghèo, hộ nghèo, đặc biệt khó khăn để phân bổ nguồn lực hỗ trợ, năm 2017 hỗ trợ gần 1.400 con dê cho 700 hộ dân, trung bình mỗi hộ nhận được 1 cặp dê bố mẹ.
Thu Ngạc là xã nghèo của huyện Tân Sơn, nhiều năm có tỷ lệ hộ nghèo cao, mấy năm gần đây nhờ phát triển chăn nuôi dê sinh sản đời sống của người dân thay đổi đáng kể bởi dê là loại động vật dễ nuôi, thời gian sinh sản nhanh và phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng. Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở khu Liên Minh - là gia đình đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho biết: Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, trước đây chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2015, tôi được hỗ trợ một cặp dê sinh sản, đồng thời vay ngân hàng thêm 20 triệu đồng để mua 2 cặp dê giống và xây dựng chuồng trại. Đến nay, đàn dê đã có hơn 20 con, năm vừa qua, tôi cũng thu được vài chục triệu đồng từ bán dê thịt, từ đó, có tiền để trang trải cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, là cầu nối để người dân có động lực phát huy thế mạnh từng vùng. Đến nay, hầu hết các hộ đã chủ động sản xuất, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong xã, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với trồng rừng, cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh việc hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc, huyện Tân Sơn cũng chú trọng đến hỗ trợ chăn nuôi gia cầm, trồng trọt và hỗ trợ các thiết bị máy móc sản xuất nông nghiệp như: Máy bừa, máy phun thuốc trừ sâu tự động, máy bơm... Từ đó, nhiều mô hình mới đã xuất hiện như trồng lúa chất lượng cao J02, cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên ở xã Kim Thượng, trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Long Cốc, nuôi gà nhiều cựa ở Xuân Sơn, trồng cây ăn quả ở Minh Đài…
Nhờ hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, gia đình anh Trần Văn Đồng ở khu 1, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập đã nuôi trâu sinh sản cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.
Cùng với hỗ trợ sản xuất, chính sách định canh định cư ở Tân Sơn cũng được xem là việc làm thiết thực giúp bà con DTTS và miền núi ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Là huyện miền núi, nhiều hộ dân sống rải rác, phân tán ở khu vực cao nên khó khăn về giao thông, nguồn điện, nước sinh hoạt. Một bộ phận người dân thiếu đất ở, đất sản xuất nên còn tư tưởng di cư đến vùng đất mới để sinh sống. Do đó, trên địa bàn huyện đã thực hiện 5 dự án định canh, định cư ở các xã Thu Cúc, Kiệt Sơn, Thạch Kiệt, Lai Đồng và Tân Sơn cho tổng số trên 300 hộ dân. Tính đến hết năm 2017, huyện đã có 3/5 dự án được đầu tư cơ bản, đảm bảo các tiêu chí về đường giao thông, điện và nước sinh hoạt, nhiều hộ dân đã “an cư lập nghiệp”.
Cũng giống như huyện Tân Sơn, huyện Yên Lập có 83% dân số là người DTTS, do đó các chính sách, cơ chế và giải pháp phát triển kinh tế của huyện có nhiều nét đặc trưng riêng. Năm 2017, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện thực hiện hỗ trợ sản xuất cho người dân với tổng nguồn vốn hơn 4,3 tỷ đồng trên các lĩnh vực như: Hỗ trợ vật tư, máy móc thiết bị, xây dựng mô hình chăn nuôi, phổ biến các kiến thức, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện chú trọng đến hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, giúp người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm sức lao động và chi phí đầu tư. Theo ông Đinh Công Thường - Trưởng phòng dân tộc huyện Yên Lập, trước đây, bà con vùng DTTS quen với hình thức canh tác lạc hậu, chủ yếu làm thủ công, nhỏ lẻ nên tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, huyện đã hỗ trợ 27 chiếc máy bừa, 329 máy cắt cỏ, 663 bình phùn thuốc trừ sâu tự động và 2 máy bơm điện cho người dân ở các xã Xuân Thủy, Ngọc Lập, Phúc Khánh...
Năm 2017, xã Xuân Thủy được hỗ trợ 17 chiếc máy bừa cho các nhóm hộ, mỗi nhóm từ 4 - 5 hộ. Xã đã triển khai dự án đến các khu dân cư, thực hiện rà soát các hộ, phân nhóm và lấy ý kiến của người dân về việc hỗ trợ. Sau khi thống nhất, xã bàn giao máy móc cho các nhóm hộ quản lý. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất, vụ chiêm xuân vừa qua, năng suất và hiệu quả từ cây lúa trên địa bàn xã tăng lên rõ rệt, đạt trên 60 tạ/ha góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, tăng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 21 triệu đồng/người/năm.
Cùng với chính sách hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện còn khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng đa dạng các mô hình kinh tế như: Trồng cây ăn quả ở xã Đồng Thịnh, Ngọc Lập; nuôi trồng thủy sản ở Thượng Long; nuôi gà ri lai ở Nga Hoàng, trồng măng gầy ở xã Trung Sơn... mang lại hiệu quả kinh tế.
Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế cho người DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Đến nay, diện mạo các xã vùng cao đã có sự “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân có chuyển biến tích cực. Nhiều hộ đã tiếp thu được kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, sang hướng sản xuất hàng hóa, cho thu nhập cao.Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực, triển khai lồng ghép các chương trình hỗ trợ vốn, vật tư, tư liệu sản xuất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương để phát huy các thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đa dạng kế sinh nhai cho người dân...
Hà Nhung