PTO- Từ hàng chục năm nay, công tác đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã trở thành yếu tố quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hơn bốn năm qua hoạt động quản lý, khai thác thủy lợi đã thực hiện theo Nghị định 115 của Chính phủ và thu được nhiều kết quả, song cũng bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.
![]() |
Do thiếu kinh phí nhiều công trình thủy lợi không được nạo vét, ảnh hưởng đến phục vụ tưới, tiêu. |
Sau hàng chục năm đầu tư, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2.058 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 1.751 hồ đập tự chảy và 194 trạm bơm điện phục vụ tưới cho 31.135 ha lúa. Để quản lý, khai thác hệ thống các công trình này, toàn tỉnh có hai hình thức là: Nhà nước quản lý, trực tiếp và các HTX dịch vụ. Nhà nước quản lý trực tiếp là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi quản lý 226 hồ đập, 113 trạm bơm phục vụ tưới 11.672 ha. Còn lại 1.525 hồ đập và 194 trạm bơm nhỏ do HTX quản lý tưới cho 19.463 ha. Từ năm 2008 thực hiện Nghị định 115, Thông tư 65 của Chính phủ và liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp và PTNT về miễn thủy lợi phí cho nông dân, Nhà nước thực hiện hỗ trợ một phần chi phí thủy lợi phí, toàn bộ diện tích này đã được ngành Nông nghiệp và PTNT lập dự toán, ngành Tài chính thẩm định báo cáo Trung ương cấp bù số thủy lợi phí đúng quy định. Phía Công ty TNHH Nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi đã không ngừng mở rộng quy mô đưa số diện tích quản lý, phục vụ từ trên 18 ngàn ha lên gần 31.500ha cả năm; nâng địa bàn phục vụ từ 11 lên 13 huyện, thành, thị. Đối với các HTX dịch vụ, ban đầu có vài chục HTX tham gia quản lý dịch vụ thủy lợi đến nay đã nâng lên trên 240 HTX với số nhân lực tham gia của cả hai hình thức trên 1.800 người. Quy mô và chất lượng phục vụ tưới tiêu ngày một tốt hơn, góp phần cho sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, liên tục được mùa, duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy vậy, qua tình hình hoạt động của hai mô hình dịch vụ thủy lợi đã bộc lộ một số hạn chế: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi do hoạt động trong điều kiện ngân sách chưa cấp bù các khoản chi khác nên ảnh hưởng rất lớn đến tài chính. Theo quy định tại Thông tư 65 hàng năm Nhà nước chỉ cấp bù một phần chi phí về thủy lợi phí cho nông dân còn lại các khoản chi phí hợp lý khác như chi khen thưởng, chi quỹ phúc lợi, đặc biệt các hoạt động phòng chống lụt bão, chống hạn đột xuất, tiêu úng… do ngân sách tỉnh cân đối và doanh nghiệp khai thác nguồn khác để trang trải. Song nhiều năm qua do điều kiện ngân sách tỉnh hạn chế nên nhiều khoản chi như quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, kinh phí tiêu úng… chưa được cấp dẫn thiếu hụt nhiều. Theo báo cáo của doanh nghiệp quản lý khai thác thủy lợi từ năm 2008 đến 2012 số ngân sách cấp do miễn thủy lợi phí cho doanh nghiệp 86,63 tỷ đồng, đạt 100%; cấp hỗ trợ của tỉnh 2,8 tỷ đồng (đạt gần 4%); cấp cho chống hạn được 12,6 tỷ đồng (đạt 20%), so với chi phí còn lại trên 9,5 tỷ đồng quỹ phúc lợi và khen thưởng chưa được cấp. Do sự thiếu hụt này mà hàng năm tài chính của công ty bị ảnh hưởng rất lớn, không có điều kiện đầu tư nâng cấp hệ thống; thu nhập của người lao động trong công ty đạt thấp (năm 2012 bình quân đạt gần 2,9 triệu đồng/người/tháng). Một vấn đề nữa là khó khăn tiếp nhận địa bàn hoạt động. Trong xu thế không có khoản thu thủy lợi phí của nông dân, khoản cấp bù của Nhà nước chỉ đảm bảo đủ chi phí cho hoạt động ở nơi hồ đập tự chảy, tưới thuận lợi nên các xã có xu thế trả lại những khu vực tưới, tiêu khó khăn, nhận lại những khu vực tưới thuận lợi. Cụ thể tại khu vực một số trạm bơm ở Cẩm Khê, Đoan Hùng... khi không còn thu thủy lợi phí, mức hỗ trợ của Nhà nước thấp hơn chi phí thực tế các HTX trả lại để công ty quản lý; ngược lại một số diện tích ở Yên Lập, Thanh Sơn sau khi các hồ thủy lợi, đập dâng được nhà nước đầu tư sửa chữa tưới thuận lợi, địa phương muốn nhận lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với các HTX dịch vụ thủy lợi, tại thời điểm năm 2000 nhiều nơi đã giải thể HTX nông nghiệp, việc quản lý thủy lợi ngoài vùng nhà nước quản lý được giao về cho tổ, nhóm hộ. Khi có chính sách miễn thủy lợi phí, nhà nước cấp bù cho nông dân, để có thể tận thu được số kinh phí hỗ trợ ở những diện tích ngoài vùng công ty thủy lợi quản lý, các xã thành lập lại HTX dịch vụ thủy lợi trên nền tảng của các HTX dịch vụ điện năng. Về mặt pháp lý, đây là đầu mối quản lý công trình, làm dịch vụ tưới tiêu và tiếp nhận khoản ngân sách của nhà nước hỗ trợ, song về thực chất nhiều HTX chỉ chú tâm làm dịch vụ điện năng, vừa không có chuyên môn kỹ thuật về thủy lợi, vừa thiếu trách nhiệm, càng thiếu kiến thức về quản lý kinh tế tài chính. Hậu quả là mấy năm qua tại nhiều địa phương tiền hỗ trợ thủy lợi phí HTX vẫn nhận, nhưng việc tổ chức tưới, tiêu lại để cho hộ, nhóm hộ tự xoay vần. Đặc biệt việc sử dụng khoản hỗ trợ thủy lợi phí sai mục đích dẫn đến những sai phạm, sau khi kiểm tra phải tiến hành xử lý, thu hồi hàng tỷ đồng. Từ những vướng mắc, tồn tại trên đây đã xuất hiện ý kiến hoặc là giao công tác quản lý thủy lợi về cho huyện, hoặc bàn giao toàn bộ cho Công ty thủy lợi. Qua tham khảo, trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan chúng tôi thấy rõ việc thực hiện mô hình như hiện nay là tương đối phù hợp, vì vậy trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số: Những diện tích có liên quan đến công trình đầu mối liên xã, liên huyện, quy mô lớn phải bàn giao để Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao Công ty cần đổi mới hoạt động dịch vụ, xây dựng kế hoạch tưới, tiêu, tăng cường phân cấp cho các trạm thủy nông, mở rộng hình thức giao khoán, đấu thầu dịch vụ để giảm bớt biên chế, tăng hiệu quả hoạt động; mở rộng thêm các dịch vụ cấp nước công nghiệp, chăn nuôi thủy sản, dịch vụ xây lắp… để tăng thu nhập; tiếp tục kiến nghị tỉnh, các ngành xem xét hỗ trợ các khoản chi phí hợp lý, dịch vụ công ích để giảm khó khăn tài chính. Đối với các HTX, cần tập trung nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý kỹ thuật, quản lý tài chính dịch vụ thủy lợi. Hàng năm các HTX phải có phương án, kế hoạch dịch vụ; vấn đề tài chính phải được bàn bạc, xây dựng dân chủ từ các hộ, nhóm hộ, được cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định, xem xét phê duyệt để khắc phục tình trạng yếu kém hiện nay. Làm tốt các nội dung này chắc chắn mảng dịch vụ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ hỗ trợ đắc lực để sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển.
Quốc Vượng