Báo động từ một số điểm ô nhiễm môi trường
![]() |
Hàng ngày, có hàng nghìn m3 nước thải độc hại được thải ra sông từ các doanh nghiệp "phạm luật". |
PTO- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số điểm bị ảnh hưởng về môi trường, gây xáo trộn trong đời sống nhân dân. Sự vào cuộc của các Bộ, sở, ngành TƯ và địa phương bước đầu đã có những kết luận thực tế. Thực trạng về môi trường một số địa phương trong tỉnh tiếp tục là hồi chuông cảnh báo.
Tại xã Giáp Lai (Thanh Sơn) có Công ty Pyrít thuộc Tổng Công ty hóa chất Việt Nam, tổ chức khai thác quặng Pyrít từ năm 1974 trên tổng diện tích khai trường khai thác hơn 96ha, trong đó khu vực 3 moong khai thác có hơn 6ha; hơn 5ha khu vực chứa quặng, trên 5ha nhà máy tuyển quặng, gần 10ha hồ thải nước tuyển quặng, bãi thải khu đồng dài có 16ha. Năm 2001 Công ty Pyrít đã làm thủ tục đóng cửa mỏ, đến tháng 5-2003 Công ty bàn giao tài sản lại cho địa phương. Trước khi làm thủ tục đóng cửa mỏ, Công ty không thực hiện các biện pháp hoàn nguyên môi trường trên tổng diện tích khai trường khai thác để lại các moong khai thác chứa đầy nước, độ sâu nhất khảng 70m và nông nhất khoảng 20m và các bãi thải, nhà xưởng chế biến, kho chứa quặng. Theo phản ánh của địa phương, trong quá trình khai thác tại xã có 30 người tàn tật bẩm sinh tổng cộng như thiểu năng trí tuệ, khèo tay chân, câm điếc, bại não, gù cột sống, mù lòa... Năm 2005, có 3.954 lượt người được khám tại trạm y tế xã về hô hấp 1.036 người, bệnh tuần hoàn 17 người, bệnh tiết liệu 4 người, bệnh về tiêu hóa 37 người, các bệnh khác 1.113 người.
Tại xã Thạch Khoán (Thanh Sơn), địa phương cho biết việc ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã chỉ do một số các đơn vị khai thác khoáng sản trong quá trình hoạt động khai thác gây xô lũ đất làm ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác nông lâm nghiệp của người dân. Song sau đó được người dân khắc phục, phủ lớp đất màu lên bề mặt diện tích đất bị xô lũ nên cây cối vẫn sống bình thường. Đến nay UBND xã Thạch Khoán vẫn chưa nhận được phản ánh gì của người dân về ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người dân theo như phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu.
Về khu vực xã Đông Cửu (Thanh Sơn), lãnh đạo cơ sở và các nhân chứng ở khu Dấu Cỏ cho biết, từ năm1978-1979 có đơn vị địa chất đã đào rất nhiều hố sâu trên 10m để lấy mẫu quặng đem đi xét nghiệm song không thông báo kết quả. Ngày 15-9-2006 ông Quang, Trưởng phòng hỗ trợ thiết bị Cục Xạ hiếm - Bộ Khoa học và Công nghệ theo đoàn nhà báo dùng máy móc thiết bị để xác định độ nhiễm xạ ở khu Bư, xóm Dấu. Một số nhà báo đã tiếp xúc và lấy ý kiến phản ánh của nhân dân. Đoàn công tác của huyện Thanh Sơn đã làm việc với đại diện Đảng ủy HĐND, UBND cán bộ chuyên trách về địa chính, y tế, dân số, thú y, y tế thôn bản, trưởng khu hành chính Dấu Cỏ và một số người dân. Sơ bộ xác định khu nghi nhiễm xạ chủ yếu ở 3 khu hành chính là khu Dấu, Bư, Hạ Thành khoảng 8km2 và các vùng lân cận. Theo báo cáo kết quả của đoàn công tác huyện Thanh Sơn thực trạng khu này như sau: Có rất nhiều hố đào lấy mẫu đất, đá của cán bộ địa chất ở khu vực xã Đông Cửu. Nguồn nước trong khu vực suối Dấu và suối Bầu, các giếng nước, ao nước, máng nước... không thấy nhiều váng, bề mặt không thấy có mùi vị lạ. Thảm thực vật tự nhiên và dân trồng như cây quế, keo, nhãn, vải tuy xanh tươi nhưng có biểu hiện cằn cỗi, ra hoa rất nhiều nhưng việc kết quả nhiều hay ít chưa xác định. Đàn gia súc, gia cầm qua nhiều lần điều tra, tiêm phòng bệnh có những dấu hiệu đẻ thưa, đẻ ra có dấu hiệu chết non nhưng không nhiều. Ông Hà Văn Long khu Bư, đào giếng năm 1998 cho biết, khi đào sâu tới 7m không va vào đá cứng mà thấy lóe sáng, người mệt mỏi, mắt mờ... phải đi bệnh viện tỉnh khám chữa bệnh về suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh. Ngày 13, 14 tháng 9 năm 2006, Cục kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học & Công nghệ) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh đến hiện trường khảo sát, nghiên cứu, đo đạc và lấy mẫu đất. Kết quả cho thấy, mức phóng xạ tự nhiên tại xã Đông Cửu, nhà ông Lên Văn Chiêu, tổng liều hiệu dụng trung bình năm là 10,27mSv/năm. Cục cho rằng mức liều này chưa thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sống tại vùng đất này. Song theo khuyến cáo của Ủy ban Quốc tế về An toàn bức xạ (ICRP), mức liều này cần được giảm thiểu. Toàn xã có hơn 3.000 dân với 604 hộ; trong đó 3 khu Hạ Thành, Bư, Dấu có 77 hộ dân với trên 400 hộ. Trong 3 năm gần đây cả xã mới có 35 người tử vong, ung thư 1 người; chết lưu thai 2 người; 3 người thiểu năng thần kinh và bệnh tâm thần; ngoài ra có nhiều trường hợp suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể và bướu cổ... Tỷ lệ người dân dùng nước sạch ở đây chiếm 60%, còn lại sử dụng nước giếng đào có xây và nước máng là chính... Ngày 23-10, đoàn kiểm tra sức khỏe của huyện khám cho nhân dân ở 3 khu, người dân đến khám chiếm 76% có 52 người phát hiện có bệnh. Tuy nhiên, mô hình bệnh tật ở cả 3 khu không có vấn đề gì liên quan đến phóng xạ.
Tại khu vực xã Phú Nham, theo báo cáo của UBND xã, nhân dân chủ yếu bị ảnh hưởng từ nước thải hồ bùn vôi của Tổng Công ty Giấy Bãi Bằng. Ô nhiễm môi trường tại đây đã được Cục BVMT (Bộ TN&MT) kết luận ngày 16-2-2006: Qua khảo sát Công ty Giấy Bãi Bằng có nhiều nguồn phát sinh nước thải. Hiện nay, nguồn nước thải ô nhiễm nhất là hồ chứa nước thải bùn vôi, nồng độ ô nhiễm rất đậm đặc, nước có màu đen, chất thải ở khu vực này nếu không được xử lý, có thể gây ra các sự cố về môi trường. Đặc biệt vào mùa mưa, hàm lượng các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng, H2S... trong nước thải chưa đạt tiêu chuẩn cho phép (TCCP), COD= 108-109mg/l (TCCP< 50mg/l); BOD=46-56mg/l (TCCP
Từ những thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức khám chữa bệnh định kỳ cho người dân và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe lâu dài cho nhân dân tại các xã bị ảnh hưởng này. UBND huyện Thanh Sơn, xã Giáp Lai phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập kế hoạch, kinh phí báo cáo tỉnh yêu cầu Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, cơ quan chủ quản, quản lý Công ty Pyrít thực hiện các biện pháp hoàn nguyên môi trường khu vực khai thác theo quy định. Đồng thời thăm hỏi động viên người dân trong khu vực yên tâm sinh sống. Đặc biệt đối với người dân đang mắc các chứng bệnh trên, trong khi chưa có cơ sở khoa học để đánh giá, xác định quặng Pyrít là nguyên nhân chính gây ra những chứng bệnh hiểm nghèo cho con người. UBND huyện Thanh Sơn, xã Đông Cửu, phổ biến cho người dân biết kết quả kết luận của Cục KSATBXHN về mức liều phông phóng xạ trên địa bàn xã chưa thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sống trên vùng đất này. Sở Nông nghiệp &PTNT triển khai dự án cấp nước sạch cho nhân dân xã Giáp Lai. Sở Khoa học & công nghệ báo cáo tỉnh đề xuất với các Bộ, ngành để thực hiện nghiên cứu, đánh giá phông phóng xạ tự nhiên; đề xuất các giải pháp quản lý, giảm thiểu mức liều phóng xạ...; phối hợp với các sở, ngành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá, xác định mức độ ô nhiễm môi trường khu vực xã Giáp Lai để xác định những nguyên nhân chính gây ra các chứng bệnh cho người dân. Công ty Giấy Bãi Bằng phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo thông báo số 143 của Cục Bảo vệ môi trường như hoàn thành các công trình xử lý chất thải đảm bảo TCCP; xem xét đầu tư, cấp nước sinh hoạt cho 60 hộ chưa được sử dụng nước sạch thuộc khu 6 xã Phú Nham.
C.A