Sản phẩm du lịch - Yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch
PTO- Phát triển du lịch được xác định là một trong bốn khâu đột phá của tỉnh.

Sản phẩm du lịch - Yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch

PTO- Phát triển du lịch được xác định là một trong bốn khâu đột phá của tỉnh. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến tỉnh Phú Thọ hàng năm tương đối lớn, nhưng lượng khách lưu trú lại chiếm tỷ lệ không cao, chưa mang lại hiệu quả kinh doanh du lịch dịch vụ. Nguyên nhân chính là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này...

Khách du lịch quốc tế tìm hiểu về phong tục gói bánh chưng của người Việt Nam gắn liền với thời Vua Hùng dựng nước tại điểm văn hóa Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì).

Phú Thọ được đánh giá là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi trong liên kết vùng về phát triển du lịch khi nằm trong trung tâm của tiểu vùng Tây- Đông - Bắc. Địa hình đa dạng đã tạo cho Phú Thọ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Bên cạnh đó, Phú Thọ có nền văn hóa lâu đời với hệ thống di sản văn hóa có giá trị gắn liền với truyền thuyết thời Hùng Vương, nổi bật là quần thể di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt cùng “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Để phát huy những tiềm năng đó, những năm gần đây, tỉnh đã tranh thủ, huy động nguồn vốn của Nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước đưa vào khai thác các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Khu du lịch Văn Lang và các điểm du lịch tại thành phố Việt Trì; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn... Nguồn vốn xã hội hóa hoạt động du lịch đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch tăng nhanh. Gắn với đó là các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh về du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái được xây dựng, đưa vào khai thác bước đầu có hiệu quả, thu hút lượng khách đến tham quan ngày càng tăng, tạo chuyển biến mới cho du lịch Phú Thọ. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung bình mỗi năm tỉnh đón từ 6-7 triệu lượt khách du lịch, nhưng trong số đó chỉ có gần 700.000 khách lưu trú lại. Đây là một con số rất nhỏ so với lượng khách đến với Phú Thọ. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh, dịch vụ du lịch, tăng doanh thu du lịch, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động, mà một trong những giải pháp quan trọng là phát triển sản phẩm du lịch.

Thực tế, việc phát triển sản phẩm du lịch đã được tỉnh quan tâm thực hiện và thu được những kết quả bước đầu, trong đó phải kể đến dòng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội đã có những bước chuyển biến mới. Ngoài Lễ hội Đền Hùng, tỉnh cũng đã tập trung xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đình Hùng Lô là ngôi đình cổ có bề dày lịch sử với một số ngôi nhà cổ, các sản phẩm mì miến, cơ sở sản xuất bánh chưng gắn với việc khai thác hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại là hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và đưa chương trình du lịch hát Xoan làng cổ, du lịch khám phá di sản vùng Đất Tổ. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang bị cho điểm văn hóa đình Hùng Lô phục vụ hoạt động du lịch, ngành Văn hóa còn tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành du lịch có trách nhiệm với cộng đồng cho người dân tại đình Hùng Lô. Hiện nay, điểm du lịch văn hóa Hùng Lô đã được Trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ kết nối với các hãng lữ hành đưa các đoàn khách, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan. Bà Phùng Thị Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ cho biết: “Sản phẩm du lịch có ý nghĩa quan trọng đến phát triển du lịch. Nhờ tăng cường công tác xúc tiến du lịch và kết nối với các công ty lữ hành, lượng khách đến với điểm du lịch văn hóa đình Hùng Lô ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, điểm du lịch văn hóa đình Hùng Lô đã đón gần 80 đoàn với 2.500 lượt khách. Đây là những tín hiệu vui đối với du lịch Phú Thọ nói chung và phát triển các sản phẩm du lịch nói riêng, tạo dấu ấn trong lòng du khách”. Cùng với phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái, Lào Cai để xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh dọc sông Hồng. Theo đó, nối các điểm di tích văn hóa từ đền Tam Giang (TP. Việt Trì)- đền Du Yến (huyện Thanh Ba) - Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa) của tỉnh Phú Thọ kết nối với các đền dọc sông Hồng tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và đã được Ban quản lý di tích các địa phương ký biên bản liên kết thực hiện tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng tại Lễ hội đền Bảo Hà năm 2014. Sản phẩm du lịch tâm linh đã bước đầu thu hút một số đoàn của các lữ hành đưa khách đến tham quan.

Để tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, tại Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát một số làng nghề sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản địa phương như: Tương Bợ Thạch Đồng, sản xuất nấm, rau an toàn ở Đồng Luận, nuôi trồng thủy sản ở Bảo Yên, Xuân Thủy… tham mưu, tư vấn cho địa phương xây dựng các điểm tham quan du lịch trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp địa phương, đồng thời tổ chức họp chợ quê vào hai ngày cuối tuần dọc tuyến đường khách du lịch đến tham quan Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy. Bằng cách làm này, các sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ thu hút, hấp dẫn được khách du lịch, giúp tăng thu nhập cho người dân. Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã xác định tiềm năng du lịch là rất lớn, do vậy Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã tham mưu với tỉnh phát triển du lịch cộng đồng thông qua việc phối hợp với đơn vị tư vấn lập báo cáo kỹ thuật nâng cấp cải tạo nhà của người Dao, Mường tại vùng lõi của vườn để phục vụ khách du lịch và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức hoạt động du lịch cộng đồng cho người dân địa phương, kiến thức về kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân cho các hộ đang kinh doanh và các hộ dân có điều kiện, tiềm năng có thể tổ chức hoạt động du lịch tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn…

Những nỗ lực trên đã đặt nền tảng cho việc phát triển sản phẩm du lịch. Nhưng thực tế phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh chưa thực sự tạo được thương hiệu gắn với vùng đất cội nguồn dân tộc. Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, thiếu các điểm du lịch hoàn thiện với các sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng của vùng Đất Tổ Vua Hùng, do đó hiệu quả kinh doanh còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng khách đến Phú Thọ tham quan đông nhưng để “níu chân” khách du lịch lưu trú lại qua ngày thì cùng với các giải pháp phát triển du lịch nói chung, hơn bao giờ hết cần có những giải pháp cụ thể cho phát triển sản phẩm du lịch. Bà Vũ Hoài Phương - Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, để phát triển sản phẩm du lịch thì việc tăng cường công tác xúc tiến du lịch, quảng bá tiềm năng du lịch nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch xây dựng và phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Thực tế là, những năm gần đây, tỉnh đã có chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bước đầu mang lại hiệu quả. Cùng với đó, để xây dựng sản phẩm du lịch thì cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có vai trò định hướng dòng sản phẩm du lịch, xây dựng quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch, các điểm du lịch, đồng thời tư vấn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch năng động để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch một số khu điểm du lịch trong quy hoạch du lịch đã được phê duyệt theo thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư dòng sản phẩm du lịch mới. Ngoài ra, cần tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp xây dựng dòng sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch Phú Thọ, khai thác giá trị các sản phẩm làng nghề, các trung tâm thương mại giới thiệu tới các tua du lịch để khách du lịch biết đến, từ đó nâng cao hiệu quả dịch vụ du lịch, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hy vọng, từ sự nỗ lực cố gắng của ngành du lịch với những giải pháp cơ bản, vấn đề phát triển sản phẩm du lịch ngày càng khởi sắc, tạo động lực thúc đẩy du lịch của tỉnh có bước phát triển đột phá mới, tạo được dấu ấn, thương hiệu du lịch Phú Thọ đối với du khách trong và ngoài nước.

Huyền Nga