PTO- Hoàng Su Phì, một huyện thuộc tỉnh miền núi phía Bắc Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ruộng bậc thang là di tích danh thắng cấp Quốc gia. Hưởng ứng cuộc vận động triển lãm ảnh khu vực về đề tài Đất nước - Con người miền núi phía Bắc do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Lạng Sơn vào tháng 8 năm 2014, Chi hội Nhiếp ảnh Phú Thọ phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sông Thao tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Hoàng Su Phì và Sín Mần tỉnh Hà Giang cuối tháng 6-2014.
![]() |
Nông dân sản xuất trên ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì. |
Tham gia chuyến đi thực tế lần này gồm có các nghệ sĩ Nhiếp ảnh: Đinh Quang Tú – Phó chi hội trưởng chi hội Nhiếp ảnh Phú Thọ, Vũ mạnh Cường – Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Sông Thao, Đắc Phượng, Nguyễn Anh Tuấn, Quang Bằng, Út Mười, Võ Huy Minh và Cầm Sơn.
Huyện Hoàng Su Phì có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và thấp dần theo hướng xuôi dòng của sông Chảy và sông Bạc tạo nên ba dạng địa hình đặc trưng là đồi núi cao, đồi núi thấp và thung lũng hẹp. Đây là điều kiện để đồng bào các dân tộc sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang chạy dọc thời gian trong cuộc mưu sinh. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên, được hình thành cách đây trên 300 năm do cộng đồng các dân tộc La Chí, Dao, Nùng, Mông tạo nên bằng bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của mình. Đến trụ sở Uỷ ban xã Bản Phùng vào ngày nghỉ nên chỉ còn có Trưởng Công an xã Vương Hữu Pháp trực. Chúng tôi được anh giúp đỡ tìm nơi ăn, chốn nghỉ. Ở đây có một nhà làm hàng quán ăn và một nhà làm dịch vụ thập cẩm từ bán hàng tạp hoá, sửa chữa xe máy, nghỉ trọ… Bữa cơm cho cả đoàn thì phải đặt trước vì hàng quán ở đây không có khách thường xuyên. Nghỉ trọ thì phí cho một người là 20 ngàn đồng một đêm có chăn, màn đầy đủ. Tuy trời mưa nhưng cũng theo từng trận nên vẫn có những lúc tạnh. Chúng tôi tản ra tranh thủ tác nghiệp. Võ Huy Minh đã cùng Út Mười phóng xe máy vào tít tận thôn Phủng Cá và ghi chép được nhiều tấm ảnh giá trị nghệ thuật cao. Sáng hôm sau, anh em lại tiếp tục đi vào các bản. Tuy không đẹp trời nhưng vẫn có thể ghi hình và lại còn có thể tận dụng được lợi thế ở những đám mây xà ngang chừng núi.
Xong việc, chúng tôi rời Bản Phùng lên đường đi sang Xín Mần. Ở đấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh kiêm thi sĩ Ngọc Minh - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Giang đang chờ. Ngọc Minh tên thật là Nguyễn Thị Minh Lý - nguyên là Trưởng phòng Giáo dục huyện Xín Mần, người quê Tuyên Quang, công tác và lấy chồng là người Xín Mần nên ở lại đây luôn. Do có nhiều năm tiếp xúc với bà con các dân tộc lại là cô giáo nên Ngọc Minh nói được rất nhiều thứ tiếng của các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, La Chí, Tày, Nùng... Dọc theo dòng sông Chảy, qua cầu treo đang thi công sửa chữa là đến thị trấn Cốc Pài – Trung tâm huyện lỵ huyện Xín Mần. Ngọc Minh đã sẵn sàng trên xe máy hướng dẫn chúng tôi lên núi thăm bản người Mông Hoa, nơi có đặc sản nổi tiếng là quả mận Nàn Ma. Người dân xã Nàn Ma rất thân thiện, vui vẻ và hợp tác nhiệt thành cho các nghệ sĩ chụp hình. Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại thị trấn Cốc Pài. Sau bữa cơm, chúng tôi đến thăm nhà Ngọc Minh và được gia chủ tặng tập thơ “Vòng tay núi” mới xuất bản. Hôm sau, trước khi rời chợ thị trấn, mọi người đều mua mỗi người một túi mận Nàn Ma để đem về làm quà. Dọc đường, chúng tôi dừng lại tại vị trí cột mốc cách Nấm Dẩn 2 Km và 4 Km để chụp cảnh sinh hoạt của người dân trên ruộng bậc thang. Có một số người nhổ mạ ngay gần đường địu theo cả con nhỏ. Các tay máy xúm vào thi nhau chụp và những người dân cũng vui vẻ giúp các nghệ sĩ tác nghiệp. Vũ Mạnh Cường nằm bò ra ruộng có đến trên 10 phút chỉ để thiết kế chớp hình cháu bé.
Xe qua Đèo Gió, rừng nguyên sinh hai bên đường xanh đen, mây xà xuống chập chờn mờ ảo. Vũ Mạnh Cường tắt điều hoà mở kính, luồng không khí mát lạnh ùa vào xe, ai cũng thấy dễ chịu. Đổ đèo, đoàn dừng lại chụp ảnh lưu niệm tại ngã ba nơi có con đường dẫn vào khu du lịch nước khoáng nóng Quảng Nguyên mà trước đó Võ Huy Minh và Quang Bằng đã đi bằng xe máy vào bản và theo Quang Bằng thì ở đó có một bản người Dao, họ rất vui vẻ nhiệt tình, sẵn sàng thay trang phục cho các nghệ sĩ ghi hình. Đoàn dừng lại nghỉ trưa ăn cơm tại thị trấn Yên Bình. Đây là điểm cuối cùng trong chuyến công tác của đoàn.
Trước khi chia tay ở Việt Trì, mọi người đều cảm thấy vui vẻ, hào hứng vì tuy thời tiết chưa được như ý nhưng chuyến đi cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, bởi vẻ đẹp kỳ vỹ của danh thắng ruộng bậc thang! Thành quả nghệ thuật chưa được công bố nhưng tin chắc rằng mỗi thành viên trong đoàn cũng đang hồi hộp chờ hiển thị những gì đã được thu vào ống kính.
Cầm Sơn