Một buổi học trên lớp của Vũ Hoàng Quân.
PTĐT - Tròn 5 tuổi, cậu bé Vũ Hoàng Quân (xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn) mất đôi tay trong vụ tai nạn hy hữu. Bắt đầu từ đó, cậu buộc phải tập luyện dùng chân thay cho tay trong sinh hoạt hàng ngày. 5 năm ròng rã, đôi chân cần mẫn đưa cậu đến trường và quặp chặt cây bút, khó nhọc đưa từng nét trên trang giấy.
Từ xót xa, thương cảm cho số phận không may mắn, người dân quanh vùng giờ ai cũng trầm trồ, khâm phục ý chí, nghị lực của cậu bé người Mường. Thế nên mới đây, khi cậu đoạt giải Nhất viết chữ đẹp của tỉnh thì thành tích này đã trở thành niềm vui, tự hào chung của cả gia đình, nhà trường và người dân nơi xóm núi Cự Thắng.
Cậu học sinh ngồi học trên… bàn!
Đến giờ, người dân xã Cự Thắng vẫn rùng mình khi nhắc lại vụ tai nạn hy hữu, thương tâm xảy ra gần 6 năm trước. Cuối năm 2013, Vũ Hoàng Quân khi ấy mới 5 tuổi theo bố mẹ sang nhà ông trẻ ở cùng xã. Hôm ấy nhà có việc, mọi người bận rộn không ai để ý cậu bé hiếu động ra chuồng gấu ở góc vườn rồi tò mò lại sát song sắt dùng cành cây trêu chọc con thú hoang dã. Khi nghe tiếng thét thất thanh rồi tắt lịm, mọi người hốt hoảng chạy ra thì đã muộn. Cậu bé đã bị gấu cắn đứt hai cánh tay, một bên đến tận bả vai, bên kia trên khuỷu tay.
Thiếu đôi tay, nhưng với ý chí quyết tâm và ước mơ trong sáng, Quân vẫn làm được nhiều việc phụ giúp cha mẹ.
Nói lại chuyện cũ, bà Hoàng Thị Thu Hoài - mẹ cháu, mắt lại đỏ hoe, ngân ngấn nước: “Đưa con xuống Hà Nội cấp cứu, đầu óc tôi cứ rối bời chẳng còn nghĩ ngợi được gì. Lấy nhau đã lâu mà vợ chồng tôi mới có mình cháu. Tôi chỉ biết cầu trời khấn Phật xót thương cho cháu qua khỏi, ở lại với vợ chồng tôi…”. Qua cơn nguy kịch, đưa con về nhà, chị Hoài mới dần thấm thía những bất hạnh mà con mình phải đối mặt trong suốt quãng đời còn lại. Đang từ đứa trẻ lanh lợi, hiếu động, giờ Quân trở nên nhút nhát, nhiều lúc hoảng loạn, đêm đang ngủ cũng giật mình kêu khóc. Xót xa hơn, mọi sinh hoạt của cháu đều phải nhờ giúp đỡ. Không biết bao lần chị Hoài vừa lau nước mắt vừa bón cơm, lấy nước, gãi ngứa, đưa con đi vệ sinh… Chị đã quyết định nghỉ mọi việc dành thời gian gần gũi, chăm sóc con. Tình thương, công sức người mẹ đã làm nên những chuyện kỳ diệu, chỉ sau thời gian ngắn, Quân đã hồi phục và phấn khích trở lại lớp mầm non 5 tuổi cùng bạn bè trang lứa. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, cậu trở thành học sinh khuyết tật học hòa nhập.!
Để con thêm tự tin, chủ động trong cuộc sống sau này, chị Hoài đã khổ công dạy cháu dùng chân thay tay trong những động tác đơn giản và bắt đầu động viên, khích lệ cháu dùng ngón chân “cầm” phấn vẽ những nét nguệch ngoạc đầu tiên lên nền nhà.
Lên bậc tiểu học, ngày đầu đến trường cũng là lúc gia đình mang đến lớp bộ bàn ghế đặc biệt gồm hai chiếc bàn khổ hẹp, chiều cao chênh nhau gần 20cm để cháu có thể ngồi dùng chân viết chữ. Theo cậu bé suốt 5 năm học, chiếc bàn do chính tay bố cậu đóng giờ mặt bàn dưới nơi cậu đặt chân đã mòn, mờ hết lớp sơn phủ. Và hình ảnh cậu bé cúi gập người, khó nhọc đưa chân trên trang giấy trên chiếc bàn đặt ở giữa lớp đã in sâu vào tâm trí, trở thành biểu tượng cho ý chí, nghị lực vượt khó cho thầy và trò trường Tiểu học Cự Thắng.
Những bài học ngoài giáo án
Đến thăm Quân trong giờ học tại lớp 5A, tôi cứ ngẩn người ngắm bàn chân phải đang quắp chặt cây bút hý húi viết, kẻ, vẽ hình giải bài tập toán. Bàn chân với những ngón thon dài, sạch bong, thoăn thoắt di chuyển với độ khéo léo, chính xác đến không tưởng. Vẫn biết cơ thể có khả năng điều chỉnh, bù đắp các chức năng bị khiếm khuyết, nhưng để làm được như Quân là cả quá trình dài lao tâm khổ trí luyện tập. Nói về chuyện tập viết bằng chân, Quân thủ thỉ: “Cứ viết mãi sẽ quen thôi ạ. Nhưng phải giữ chân thật sạch, chân lấm sẽ dây bẩn sách vở. Các cô giáo dạy cháu rất nhiều mới viết được đấy ạ…”. Để Quân có thể viết chữ, theo học cùng các bạn, các giáo viên trong trường ngoài phương pháp giáo dục đặc biệt còn là sự cảm thông, tinh thần trách nhiệm và tình thương yêu học sinh sâu nặng.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khi gia đình đến làm thủ tục nhập học cho cháu, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ và chủ động trao đổi với phụ huynh về tình trạng của cháu để cùng phối hợp sao cho có hiệu quả cao nhất, giúp cháu hòa nhập, đạt kết quả học tập tốt. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã rất tâm huyết tranh thủ mọi thời gian ở trường từ mấy phút trước giờ học đến giờ ra chơi để động viên, hướng dẫn, đưa từng nét bút cho cháu. Nhờ đó cháu dần tiến bộ, hoàn thành chương trình học tiểu học ở mức khá. Mới đây, trường tham gia Ngày hội Viết chữ đẹp, đọc và làm theo báo Đội do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, bài thi của cháu đã đoạt giải Nhất. Chúng tôi rất tự hào về cậu học sinh giàu nghị lực, ý chí vượt khó này”.
Mới chuyển về trường công tác được hai năm, cô giáo Đinh Thị Hường - Chủ nhiệm lớp 5A bộc bạch: “Quân nhận thức nhanh, rất có ý thức học tập. Qua nhiều ngày trực tiếp gần gũi, giảng dạy, tôi thấy rất khâm phục ý chí, nghị lực của cháu. Cháu đã dạy cho tôi rất nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống, quyết tâm theo đuổi mục đích, ước mơ”.
Vũ Hoàng Quân cùng các bạn trong giờ ra chơi tại trường.
Không chỉ quyết tâm, nỗ lực vượt khó học tập, Quân luôn chủ động làm mọi việc có thể trong sinh hoạt hàng ngày để bố mẹ đỡ vất vả. Với đôi chân và đoạn tay trái còn sót lại, cậu tự xúc cơm ăn, lấy nước uống, cầm chổi quét nhà. Các bạn cùng trang lứa vẫn kéo cậu tham gia các trò chơi tập thể. Đội bóng đá có cậu tham gia vẫn đùa vui với nhau là có thủ môn duy nhất không bắt bóng bằng tay.!
Cả buổi theo Vũ Hoàng Quân học trên lớp, về sinh hoạt ở nhà, vui đùa cùng các bạn, tôi cứ ám ảnh mãi với câu nói thủ thỉ của cậu bé có khuôn mặt bầu bĩnh, ánh mắt lanh lợi luôn nhìn xuống như một thói quen cố hữu: “Cháu chỉ ước đôi tay mọc lại lành lặn. Nhưng chẳng bao giờ được chú nhỉ. Cháu sẽ cố gắng học giỏi để có thể làm thầy giáo dạy các bạn nhỏ. Chắc là khó lắm, nhưng mình phải cố chú nhỉ…”. Đúng như lời cô giáo Đinh Thị Hường, tôi đã được Quân dạy cho nhiều bài học về ý nghĩa cuộc sống, ý chí quyết tâm và ước mơ trong sáng, thuần khiết. Những bài học không có trong giáo án.
Nguyễn Cao