Chuyển đổi số trong giáo dục
baophutho.vn Chuyển đổi số (CĐS) là chủ trương lớn của Chính phủ và mọi ngành nghề, trong đó có giáo dục, vì vậy, những năm gần đây, đặc biệt là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đang từng bước ứng dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số.

Chuyển đổi số trong giáo dục

Chuyển đổi số (CĐS) là chủ trương lớn của Chính phủ và mọi ngành nghề, trong đó có giáo dục, vì vậy, những năm gần đây, đặc biệt là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đang từng bước ứng dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số.

Chuyển đổi số trong giáo dục

Một tiết học Toán tiếng Anh sử dụng bài giảng từ kho học liệu số của ISMART tại Trường tiểu học Hùng Vương, thị xã Phú Thọ.

Thay đổi để thích ứng

Nếu như trước đây, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên (CB, GV) đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin (CNTT). Các dữ liệu của ngành giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm, giúp cho công tác quản lý tiện lợi và khoa học.

Trong giảng dạy, trước đây, GV mầm non phải vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng, nay GV có thể sử dụng Internet để chủ động khai thác tài nguyên giáo dục phong phú cho bài giảng điện tử. Chỉ cần vài “click chuột” là hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc, những hàng chữ biết đi và những con số biết nhảy theo nhạc hiện ra, thu hút sự chú ý, kích thích hứng thú học tập của học sinh (HS).

Đối với các bậc học khác cũng vậy, những bài giảng từ giáo án điện tử (GAĐT) ở các môn học như Toán, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý... đã tạo sự hấp dẫn, tư duy nhiều chiều trước một vấn đề cho cả người dạy và người học. Vì vậy, sử dụng GAĐT và ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập đang là xu thế trong ngành giáo dục. Đặc biệt, trước sự bùng phát của dịch COVID-19 với không ít khó khăn, thách thức, các nhà trường cũng như toàn ngành giáo dục đã không ngừng đẩy mạnh CĐS để thích ứng và phát triển.

Năm học 2021-2022, cuộc thi xây dựng video bài giảng trực tuyến và dạy học trên truyền hình cấp tỉnh giúp GV các môn học có cơ hội trao đổi, học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến.

Cũng qua cuộc thi đã xây dựng được ngân hàng các video bài giảng trực tuyến và dạy học trên truyền hình có chất lượng của tất cả các môn ở các cấp học. Đây là nguồn bài giảng quan trọng, được các nhà trường sử dụng hiệu quả trong thời gian tạm dừng đến trường. Nhiều video bài giảng có chất lượng tốt đã được lựa chọn gửi về Bộ GD&ĐT để sử dụng chung trong cả nước.

Trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch COVID-19, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình. Toàn tỉnh có trên 85% giáo viên soạn bài giảng e-learning, trên 10.000 bài giảng, bài kiểm tra, lớp học ảo và hơn 36.283 câu hỏi đã được tạo trên hệ thống K12 Online.

Năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT đã tổ chức lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện như: K12 Online; office 365; Microsoft Team; Zoom…, VNPT-LMS…, để sẵn sàng áp dụng khi học sinh không thể đến trường do dịch COVID-19; sử dụng tối đa lợi ích phần mềm quản lý học tập (LMS) mang lại, giúp học sinh học chủ động hơn và giảm tác động khi đường truyền Internet quá tải.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Để đẩy mạnh, thực hiện thành công CĐS trong GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số phục vụ CĐS và công tác thống kê trong ngành giáo dục, Sở GD&ĐT tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ quản lý, giáo viên. Hiện tại, hầu hết giáo viên các cấp học có thể ứng dụng CNTT đổi mới trong phương pháp dạy học như: Kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý trường học, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu ngành, kỹ năng dạy học trực tuyến, sử dụng phần mềm trình chiếu, phần mềm hỗ trợ soạn bài giảng tương tác, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, phần mềm dạy học để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trên lớp học.

Kỹ năng đáp ứng các yêu cầu về năng lực ứng dụng CNTT và CĐS theo vị trí việc làm cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý trong đơn vị; đẩy mạnh áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM); phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh- TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để thực hiện CĐS trong GD&ĐT cần có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ, sự chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục, sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội; phải được thiết kế đồng bộ, bao quát, có hệ thống trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia; triển khai từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao trong từng giai đoạn, nhất là trong giai đoạn thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Việc CĐS toàn diện trong ngành GD&ĐT đã giúp nâng cao hiệu quả dạy học và quản lý giáo dục, đảm bảo quản lý dạy học chính xác, minh bạch, góp phần cải cách hành chính, phát huy sức sáng tạo của thầy và trò, giúp học sinh tiếp cận với phương thức dạy học hiện đại cũng như kỹ năng sử dụng các phương tiện số qua việc kết nối học với các trường quốc tế.

Hạnh Thúy

Hạnh Thúy