Chuyện làm cọn chống hạn ở Thanh Sơn
![]() |
Những chiếc cọn mới hoàn thiện đưa vào phục vụ sản xuất ở Khả Cửu. |
Đến Thanh Sơn dịp này, đi tới bất kỳ xã vùng cao nào cũng gặp những chiếc cọn đang ngày đêm cần mẫn chuyển động quay theo dòng chảy của dòng nước tự nhiên, có xã làm vài chiếc, có xã làm vài chục chiếc như: Văn Luông, Xuân Đài, Lai Đồng, Thu Cúc..., có xã như Khả Cửu, làm đến vài trăm chiếc cọn nhờ vậy vụ chiêm xuân này toàn huyện có trên 1.000 cọn nước được làm mới.
Chúng tôi đến Khả Cửu trong một ngày đầu xuân, không khí tết vẫn còn nguyên trên từng khuôn mặt. Tuy vậy tất cả đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc lao động sản xuất đầu xuân. Từ trung tâm huyện Thanh Sơn, qua chặng đường chỉ hơn 20km mà chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi vì đường đến Khả Cửu rất khó khăn, đường vào xã dọc theo dòng suối Dân, ngay từ cuối dòng đã xuất hiện những chiếc cọn hoạt động. Càng vào sâu địa bàn xã càng xuất hiện cọn. Gặp bác Hà Văn Tý, xóm Mu đang trên giàn giáo để lắp cọn, vừa làm bác vừa cho chúng tôi biết: Hai mươi lăm năm nay, năm nào bác Tý cùng gia đình cũng làm một chiếc cọn to, chiếc cọn nhà bác hoạt động đủ nước cho 1 mẫu ruộng của gia đình. Một chiếc cọn như vậy phải huy động từ 4 đến 5 lao động của gia đình làm trong một tuần mới xong, tuy nhiên mọi thành viên chỉ có thể giúp bác ngày công tìm nguyên vật liệu và đắp phai thôi, còn khi lắp cọn và các công đoạn hoàn thiện thì trực tiếp bác phải đi làm. Năm nay vừa làm bác vừa truyền đạt lại kỹ thuật lắp đặt cọn cho cậu con trai vì nghĩ con cũng gần hai mươi tuổi rồi. Bây giờ nhà nước đã giao đất giao rừng đến từng hộ dân nên nguyên vật liệu để làm cọn khó tìm, nhiều gia đình phải đi mua, vì thế chi phí cho một chiếc cọn cũng từ 300.000đ đến 500.000đ. Chia tay bác Tý, dọc dòng suối Dân, chúng tôi đến xóm Bãi Lau, có vài gia đình cũng đang lắp cọn. Dừng lại vị trí làm cọn của gia đình bác Hà Văn Bình, vừa thoăn thoắt đục đẽo bác vừa vui vẻ chuyện trò: Năm nay đã ngoài 40 tuổi rồi nhưng cũng đã hơn 20 năm nay làm được cọn. Khi tôi hỏi bác có biết nguồn gốc xuất xứ của những chiếc cọn này không thì bác bảo: “Từ nhỏ đã thấy cha làm, lớn lên đi bộ đội thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương ngoài hai mươi mình mới học làm cọn, so với mọi người mình là người biết làm muộn, xong cũng chẳng biết nguồn gốc của những chiếc cọn này ai sáng tác, chỉ biết rằng ruộng nhà mình ở trên cao, không làm cọn thì không có nước cấy nên đời trước ai biết làm thành thạo lại truyền đạt cho đời sau, cứ như vậy, chiếc cọn gắn bó với gia đình, với xóm làng cho đến tận bây giờ”. Có lẽ do cần cù và thích khám phá nên bác Bình đã tính được mỗi phút một chiếc cọn quay được 2,5 vòng, mỗi vòng 50 ống nước, mỗi ống từ 2 lít trở lên. Do vậy, cứ tính trung bình một chiếc cọn trong 1 giờ tải được 1,5m3 nước vào đồng ruộng. Đấy là với những chiếc cọn có cỡ trung bình, còn nhiều cọn to hơn, ống cọn chứa được 4 lít nước thì công suất còn cao hơn. Làm một chiếc cọn vừa tầm, nguyên liệu của gia đình không đủ vẫn phải mua thêm nên 1 chiếc cọn chi phí đến 400.000đ mà chỉ dùng được trong 1 vụ. Khi tôi hỏi sao người dân nơi đây không bỏ kinh phí ấy để thuê máy bơm, vừa tiện lại vừa đỡ tốn công lao động, thì được bác Bình ôn tồn giải thích: Đã có vụ bà con nhân dân tập trung vốn để thuê máy bơm dầu, tác dụng là nước vào đồng ruộng nhanh hơn nhưng khi bơm ngừng hoạt động thì nước cũng rút theo. Tôi hỏi vì sao thì bác Bình lại điềm tĩnh giải thích cho biết: Toàn bộ diện tích để gieo cấy lúa của xóm Bãi Lau, xóm Mu, Xóm Hắm đất thịt pha cát, vì thế nếu dùng máy bơm đơn thuần thì đất pha cát bị hạn lâu ngày bơm tuy nhanh nhưng không đủ ngấm, bởi vậy nhân dân vẫn phải làm cọn dù chậm nhưng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Riêng xã Khả Cửu có 85,36ha diện tích cấy lúa, mỗi vụ nhân dân phải làm trên 300 chiếc cọn mới đủ nước để sản xuất, số cọn này đảm bảo đủ tưới tiêu cho trên 60 ha diện tích để cấy chiếm 65% diện tích gieo trồng. Tất cả số cọn này từ trước đến nay đều do nhân dân tự bỏ công, bỏ vốn ra để mua nguyên vật liệu mà không có sự hỗ trợ nào. Nhà nào có từ 5 sào ruộng trở lên thì làm một chiếc cọn, nếu ít ruộng thì vài nhà làm chung nhau một chiếc. Tác dụng của chiếc cọn thì mọi người đã hiểu, ngay cả các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng phải khẳng định: Nếu không có những chiếc cọn truyền thống thì không thể sản xuất được theo đúng khung thời vụ chứ chưa nói gì đến việc thâm canh tăng vụ, vậy mà hai năm nay, người dân nơi đây đã biết đưa vụ đông vào sản xuất, bước đầu cho hiệu quả khả quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Ngọc Lư, chủ tịch UBND xã Khả Cửu vẫn mong muốn có sự quan tâm của Nhà nước xây dựng cho địa phương công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất lâu dài, cứ như hiện nay, chi phí cho một chiếc cọn không phải là ít mà chỉ dùng được 1 vụ thì lãng phí trong khi nguyên liệu để làm cọn không còn sẵn nữa mà địa phương có đến mấy trăm chiếc cọn, như vậy là rất tốn kém.
Rời Khả Cửu, hình ảnh những chiếc cọn vẫn in đậm trong tôi và tất cả mọi người vẫn khẳng định những chiếc cọn truyền thống góp phần tích cực trong việc chống hạn hàng năm tại huyện miền núi Thanh Sơn song cũng mong sao các cấp, các ngành có liên quan tạo điều kiện xây dựng cho các xã vùng cao, vùng ĐBKK có những công trình thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi nhỏ để bà con nhân dân các dân tộc miền núi có thêm điều kiện áp dụng các kiến thức khoa học vào sản xuất vì không phải địa bàn nào cũng dùng cọn để khắc phục hạn hán được. Hồng Nhuận