PTO- Những năm gần đây, lượng khách đến thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ngày một tăng. Trung bình mỗi năm tỉnh ta đón khoảng 7 triệu lượt người gồm cả khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê của ngành Du lịch tỉnh, hiện toàn tỉnh có 237 cơ sở lưu trú, trong đó có 207 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ du lịch và 30 khách sạn từ một đến hai sao phân bố đều khắp ở các huyện, thành, thị. Nhìn chung các cơ sở này cơ bản đáp ứng những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chuẩn loại, hạng được công nhận. Bên cạnh một số cơ sở lưu trú có chất lượng dịch vụ tốt, đội ngũ nhân viên có kỹ năng giao tiếp, phục vụ tận tình góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp về Đất Tổ cội nguồn trong mắt du khách, vẫn còn tồn tại một thực trạng ở đa số các cơ sở lưu trú là đội ngũ nhân viên chưa đạt chuẩn. Thực tế, đội ngũ phục vụ ở các cơ sở chính là cầu nối giữa khách với các sản phẩm dịch vụ du lịch và là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch đến với tỉnh. Nếu nguồn nhân lực đảm bảo đủ số lượng và đạt chất lượng, được đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị.
Xuất phát từ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã phối hợp với các đơn vị: Ban quản lý dự án EU, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội mở các khóa đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh. Những đối tượng từ cán bộ quản lý Nhà nước, đội ngũ thuyết minh viên, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ quản lý và nhân viên trong các cơ sở lưu trú du lịch… đều có thể tham gia các khóa đào tạo, tập huấn phù hợp. Trong hai năm 2013- 2014, Sở đã phối hợp với các đơn vị mở hàng chục khóa đào tạo cho khoảng 700 lượt học viên. Sau mỗi khóa đào tạo, học viên sẽ tự trau dồi kiến thức được học và từ kinh nghiệm thực tế hằng ngày để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đảm bảo phục vụ du khách một cách tốt nhất. Đồng thời, họ còn là những hạt nhân tích cực có thể tiếp tục truyền đạt lại những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên tại đơn vị mình chưa có điều kiện tham gia. Từ đó, chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị sẽ ngày một tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển. Từng là học viên của khóa bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng do Sở VH,TT&DL tổ chức, anh Nguyễn Dương Lâm - Chủ nhà nghỉ Lâm Thành, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh nhận xét: “Thông qua chương trình đào tạo, nhất là những giờ thực hành thực tế, khóa bồi dưỡng đã giúp tôi có thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản, chuẩn xác. Nhờ đó, giúp tôi quản lý, hướng dẫn nhân viên của mình có được phương pháp làm việc khoa học trong quá trình phục vụ khách, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhà nghỉ. Tôi mong rằng, thời gian tới tỉnh ta sẽ mở thêm nhiều khóa đào tạo dài hạn hơn nhằm chuẩn hóa nguồn nhân lực phục vụ du lịch”.
Ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Năm nay, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về du lịch cho cán bộ Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cấp huyện, các khu điểm du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ bàn, bar cho nhân viên khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều đó, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đào tạo, chúng tôi rất cần sự đồng hành của các phòng văn hóa - thông tin cấp huyện, nhất là nhận thức đúng đắn vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch của những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch giúp ngày càng nâng cao hơn nữa dịch vụ phục vụ du lịch của tỉnh nhà”.
Hồng Nhung