Tiếp nối mạch nguồn xoan
PTĐT- Theo làn điệu mượt mà, gần gũi của bài “Giáo trống, giáo pháo” - một làn điệu Xoan cổ chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Quyết- Trùm phường Xoan cổ Kim Đái, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì.

Tiếp nối mạch nguồn xoan

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết hướng dẫn động tác tay cho các đào Xoan nhí Trường THCS Kim Đức.

“Kính trình làng nước

Thượng hạ đông tây

Lẳng lặng thưa này

Mà nghe tôi giáo trống…”

PTĐT- Theo làn điệu mượt mà, gần gũi của bài “Giáo trống, giáo pháo” - một làn điệu Xoan cổ chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Quyết- Trùm phường Xoan cổ Kim Đái, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hát Xoan, ông nội và bà ngoại đều là những nghệ nhân hát Xoan nổi tiếng trong vùng. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Quyết đã có cơ hội theo ông nội đi biểu diễn. Sống trong những làn điệu Xoan từ tấm bé nên đến năm 16 tuổi anh đã thuộc hết các làn điệu Xoan cổ và trở thành một trong những kép Xoan trẻ của phường Xoan Kim Đái và xã Kim Đức.

Năm 1998, Nhà nước phục dựng các phường Xoan gốc, anh tích cực tham gia các lớp học của những nghệ nhân truyền dạy và đi biểu diễn ở các phường Xoan trong, ngoài xã. Là người “nặng lòng” với Xoan, năm 2009, anh mạnh dạn tham mưu cho các “bô lão” trong phường Xoan tổ chức các lớp dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ trong phường nhưng chưa được chấp thuận. Không nản lòng, một mặt anh tiếp tục thuyết phục các thành viên trong phường Xoan, mặt khác anh tự mở lớp học Xoan đầu tiên tại nhà với khoảng gần 30 em ở đủ mọi lứa tuổi, học viên nhỏ tuổi nhất chỉ lên 4.

9 năm miệt mài với công việc truyền dạy hát Xoan, đến nay, anh Quyết đã trở thành một trong những người “thầy” dạy hát Xoan có tiếng và có tâm. Để việc truyền dạy đạt hiệu quả cao, anh lên lịch học cụ thể để phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học; tuân thủ “giáo án cá nhân” theo quy trình: Dạy học viên thuộc lời sau đó dạy những động tác múa tay, múa chân cơ bản và sau cùng là dạy trống. Truyền dạy hát Xoan cho người lớn đã khó, công việc này còn khó khăn gấp nhiều lần khi dạy cho các em nhỏ, bởi nhiều em chưa biết đọc, biết viết... Với đối tượng này anh luôn luôn quan tâm, dành nhiều thời gian, kiên trì dạy các em từng câu hát, từng điệu múa. Để các em hứng thú học, anh kết hợp vừa dạy vừa đưa các em đi biểu diễn; tham gia các chương trình, cuộc thi, hội diễn.

Nhận thức rất rõ việc nắm giữ, thực hành các bài hát Xoan cổ theo nghi thức truyền thống là điều không dễ dàng, nhưng với Văn Quyết thì việc tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung và trao truyền tới lớp kế cận, tới cộng đồng làm cho họ có tình yêu thực sự với Xoan mới là điều rất cần thiết. Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ, anh Quyết chia sẻ: “Công việc truyền dạy nhiều vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui. Đôi khi mệt mỏi, nhưng được sự thông cảm, động viên của học trò lại là nguồn cổ vũ để tôi tiếp tục gắn bó với công việc. Có những buổi dạy quá giờ, không kịp nghỉ ngơi nhưng được học sinh chia cho bát cơm mà mọi người mang đi, qua đó biết được tình cảm mà mọi người dành cho hát Xoan và thấy được trách nhiệm của mình khi được đảm nhận công việc cao quý này; lấy đó làm động lực để tôi hoàn thành tốt công việc được giao phó”.

Đam mê, nhiệt huyết và có nhiều đóng góp trong các chương trình biểu diễn hát Xoan phục vụ nhân dân, tích cực phục vụ công tác xây dựng lập hồ sơ của Nhà nước và của tỉnh trong việc trình UNESCO công nhận hát Xoan là Di sản văn hóa của nhân loại, đến nay anh đã “truyền lửa” cho trên 800 học trò, trong đó có nhiều người nay đã là những đào, kép biểu diễn thuần thục các bài Xoan. Năm 2015, anh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong là nghệ nhân và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam.

Lệ Oanh

Lệ Oanh