Cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân kỹ thuật bón phân để đảm bảo chè an toàn, sinh trưởng và phát triển tốt.
PTĐT-Xác định chè là cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, những năm qua, các hộ dân ở làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ đã không ngừng chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Đặc biệt, các hộ chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu chế biến, xây dựng thương hiệu chè an toàn nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Làng nghề chè Phú Thịnh có130 hộ, diện tích chè của các hộ trong làng nghề khoảng 25ha, trong đó có 60 hộ trồng kết hợp chế biến chè. Làng nghề được UBND tỉnh công nhận từ năm 2014 đã tạo động lực cho người dân phát huy thế mạnh, nâng cao giá trị sản phẩm. Vài năm trở lại đây, vai trò của cây chè trong phát triển kinh tế địa phương ngày càng được khẳng định, doanh thu bình quân của làng nghề đạt trên 15 tỷ đồng/năm. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, người dân đã chú trọng đầu tư thâm canh, tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến và thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống chè, tăng diện tích chè giống mới có năng suất và chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Các hộ dân thực hiện chuyển đổi từ giống chè cũ sang trồng chè giống mới có năng suất, chất lượng cao như: Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...
Từ thực tiễn sản xuất, người dân nhận thấy làng nghề có bước phát triển nhưng do không có tư cách pháp nhân nên trong giao dịch và hoạt động còn một số hạn chế nhất định, việc mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn. Vì vậy, tháng 9-2016, HTX sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh ra đời theo hình thức HTX trong làng nghề. HTX được thành lập đã tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, tạo động lực cho từng hộ làm nghề và giải quyết những nhu cầu chung thúc đẩy sản xuất làng nghề đạt hiệu quả cao. Các hộ trong HTX đầu tư để sản phẩm sau chế biến đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và góp phần nâng cao giá trị.
Qua các lớp tập huấn, thực hiện các mô hình điểm về ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức, người dân đã tích cực áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến từ khâu trồng, chăm sóc và chế biến chè. Trong đó, chú trọng nhất đến áp dụng quy trình an toàn trong chăm sóc, chế biến để sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng tốt mà vẫn bảo vệ được môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và người dân làm chè. Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chè được nâng lên kéo theo giá trị sản phẩm cũng tăng. Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và người dân tự đầu tư, các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất và chế biến chè được trang bị khá đồng bộ như máy sao chè bằng gas; sao sấy bằng tôn innox, máy hút chân không... Được hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm bắt đầu được tiêu thụ qua một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh với giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/kg chè thành phẩm.
Ảnh minh họa.
Trong cuộc trò chuyện, các hộ dân ở đây đều thể hiện sự phấn khởi bởi bao năm canh tác theo truyền thống đến nay nhờ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến mà năng suất, chất lượng đều tăng. Từ chỗ bán chè búp tươi làm nguyên liệu đã trồng chè để chế biến, giá trị sản phẩm được nâng lên. Sản xuất theo phương thức mới, họ biết ghi chép nhật ký chăm sóc hàng ngày; phun thuốc trong danh mục cho phép, phun đúng liều, đúng lứa, đúng thời gian cách ly; dùng phân sinh học bón cho chè…
Bên cạnh nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất, HTX và làng nghề còn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên môn cho bà con nông dân, giúp họ nắm bắt và hiểu biết các phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cây chè. Nhờ đó, nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến tương đối đồng đều, ổn định về chất lượng.Tuy đã có bước phát triển nhưng chè Phú Thịnh vẫn còn gặp khó khăn nhất định do vốn đầu tư còn hạn hẹp; đầu ra sản phẩm chủ yếu vẫn ở thị trường trong tỉnh; một số hộ chưa có ý thức cao về xây dựng, phát triển chè chất lượng cao… Trao đổi về định hướng phát triển, ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề kiêm Giám đốc HTX sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh cho biết: Do chất đất và khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng của cây chè cộng thêm kinh nghiệm trong sao sấy nên sản phẩm chè Phú Thịnh được người tiêu dùng ưa chuộng. Dù biết bán chè búp tươi làm nguyên liệu cho thu hồi vốn nhanh, không phải đầu tư nhiều máy móc nhưng chúng tôi ý thức được rằng, muốn làm giàu từ chè, xây dựng thương hiệu thì nhất thiết phải xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, chế biến chè thành phẩm có chất lượng, tích cực quảng bá sản phẩm để chè Phú Thịnh vươn xa hơn. Các hộ trong làng nghề đã mở rộng diện tích chè chất lượng cao, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để chế biến ra các sản phẩm chè chất lượng cao. Đây cũng là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới để khẳng định giá trị và thương hiệu chè Phú Thịnh nói riêng, chè Phú Thọ nói chung.
Nguyễn Huế