Tôn vinh cán bộ hòa giải cơ sở
baophutho.vn Hưởng ứng Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV do Bộ Tư pháp phát động, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ IV và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về những cán bộ hòa giải ở cơ sở năng động, giỏi giang. Hội thi góp phần bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở, đồng thời là dịp tuyên truyền kiến thức về pháp luật cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tôn vinh cán bộ hòa giải cơ sở

Hưởng ứng Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV do Bộ Tư pháp phát động, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ IV và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về những cán bộ hòa giải ở cơ sở năng động, giỏi giang. Hội thi góp phần bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở, đồng thời là dịp tuyên truyền kiến thức về pháp luật cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tôn vinh cán bộ hòa giải cơ sở

Tiểu phẩm “Tôi đã hiểu” của Đội thi huyện Hạ Hòa được Ban Tổ chức đánh giá xuất sắc nhất của phần thi tiểu phẩm.

Hội thi năm nay thu hút trên 100 thí sinh của 13 đội thi đến từ 13 huyện, thành, thị tham gia. Thành viên các đội thi đều là những hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu của địa phương được lựa chọn tham dự hội thi cấp tỉnh. Chị Hoàng Thị Phượng - Đội trưởng Đội hòa giải viên giỏi huyện Cẩm Khê chia sẻ: Được đại diện cho huyện Cẩm Khê tham gia hội thi lần này chúng tôi rất phấn khởi, cố gắng thi với tinh thần cao nhất. Trước khi tham gia hội thi, đội chúng tôi đã tìm hiểu nhiều thông tin, kiến thức để có thể thực hiện các phần thi tốt nhất. Chúng tôi coi đây là cơ hội giao lưu, học hỏi để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình và mong muốn các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác hòa giải ở cơ sở.

Bước vào hội thi, mỗi đội phải tham gia ba phần thi: Phần thi giới thiệu, phần thi lý thuyết và phần thi tiểu phẩm. Với tinh thần thể hiện hết mình, tích cực học hỏi, các đội thi đã hoàn thành xuất sắc các phần thi của mình theo đúng thể lệ hội thi. Trong phần giới thiệu, thông qua nhiều hình thức như kể chuyện, thơ, ca, hò, vè... các đội đã thể hiện được những nét đặc trưng văn hóa xã hội, phong tục tập quán, điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế và đời sống pháp luật tác động đến công tác hòa giải, đóng góp của công tác hòa giải ở cơ sở đối với sự phát triển của địa phương.

Phần thi lý thuyết bao gồm trả lời câu hỏi trắc nghiệm và xử lý tình huống, đại diện các đội đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với Ban giám khảo cũng như đông đảo khán giả bởi sự am hiểu pháp luật qua việc trả lời xuất sắc các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tình huống của Ban tổ chức đưa ra. Các thí sinh thể hiện được trình độ, kinh nghiệm của mình trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là vận dụng những kiến thức pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân ta kết hợp với kỹ năng hòa giải để nhận định, xử lý các vấn đề phát sinh trong cộng đồng dân cư, những khúc mắc, tranh chấp trong nhân dân.

Được đánh giá là thí sinh có phong cách, kỹ năng hòa giải xuất sắc, anh Hà Hồng Lưu - Đội thi huyện Đoan Hùng cho biết: Ở hội thi này, tôi thấy các đội đều có sự chuẩn bị công phu, thể hiện sự linh hoạt, khéo léo, thông minh trong việc giới thiệu về địa phương mình. Ở phần thi lý thuyết, đại diện các đội thể hiện trình độ hiểu biết, kỹ năng phổ biến pháp luật, qua đó làm tăng thêm sự phong phú và hấp dẫn. Tôi cũng như các thành viên đã học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải.

Hấp dẫn nhất là phần thi tiểu phẩm. Các đội xây dựng nhiều tiểu phẩm có nội dung thực tế, sinh động, đậm tính nhân văn với hình thức thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, phù hợp với từng địa phương. Việc vận dụng hài hòa giữa “lý” và “tình” để hóa giải mâu thuẫn cũng chính là thông điệp trong các phần thi của các đội. Tiêu biểu như tiểu phẩm: “Tôi đã hiểu” hòa giải về việc trọng nam, khinh nữ dẫn đến bạo lực gia đình của đội thi huyện Hạ Hòa, “Tình anh em” hòa giải việc liên quan đến tranh chấp đất đai trong gia đình của đội thi huyện Phù Ninh, “Lỗi tại cây sấu” hòa giải về tranh chấp đường đi chung giữa các hộ gia đình...

Đồng chí Trần Thị Nhung - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban tổ chức hội thi đánh giá: Hiện toàn tỉnh có 2.328 tổ hoà giải, trên 14 nghìn hoà giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải tiếp nhận hoà giải gần 3.000 vụ, việc; tỉ lệ hòa giải thành đạt trên 75%, góp phần đảm bảo ANTT ở cơ sở. Hội thi hôm nay là ngày hội tôn vinh những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. Các hòa giải viên bằng lòng nhiệt tình, say mê, vì sự bình yên của lối xóm, cộng đồng đang âm thầm hàng ngày làm một công việc rất ý nghĩa và quan trọng là “bắc nhịp cầu nối những niềm vui”, là “chất keo” gắn kết tình cảm gia đình, làng xóm, là những chuyên gia đi “gỡ rối” những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong cộng đồng dân cư.

Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ IV khép lại, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho đội thi của huyện Cẩm Khê và được UBND tỉnh lựa chọn đại diện cho tỉnh tham dự Hội thi hòa giải viên giỏi cấp khu vực nhưng điều đọng lại, hội thi đã để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về con người và tình người trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ thực tế cuộc sống hàng ngày, xây đắp tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quỳnh Chi

Quỳnh Chi