Sau tiết “Xuân phân” về Thục Luyện
PTO- Qua tiết “xuân phân”, về Thục Luyện (Thanh Sơn) ta thấy một vùng xanh non trải rộng trước mắt. Dưới những dộc ruộng lúa xuân bén rễ tươi non mơn mởn, trên đồi, bạt ngàn chè sau mấy tháng đông tích nhựa đang trổ lộc xuân, xa xa là rừng nối rừng xanh ngút ngát, mùa xuân đang làm bật dậy những tiềm năng từ Thục Luyện.

Sau tiết “Xuân phân” về Thục Luyện

Sau tiết “Xuân phân” về Thục Luyện

PTO- Qua tiết “xuân phân”, về Thục Luyện (Thanh Sơn) ta thấy một vùng xanh non trải rộng trước mắt. Dưới những dộc ruộng lúa xuân bén rễ tươi non mơn mởn, trên đồi, bạt ngàn chè sau mấy tháng đông tích nhựa đang trổ lộc xuân, xa xa là rừng nối rừng xanh ngút ngát, mùa xuân đang làm bật dậy những tiềm năng từ Thục Luyện.

Nông dân khu Đồng Lác - xã Thục Luyện khẩn trương trồng lạc vụ xuân hè.

Xã Thục Luyện nằm ở vùng hạ huyện, tiếp giáp với thị trấn có tổng diện tích đất tự nhiên 251ha mà chủ yếu là đất lâm nghiệp. Với 1163 hộ, Thục Luyện có số dân trên 5,2 ngàn người, gồm 6 dân tộc anh em cùng chung sống đang từng bước khai thác các tiềm năng về lao động, đất đai, ngành nghề cùng lợi thế giao thông để đảm bảo cuộc sống và làm giàu cho quê hương.

Trao đổi với chúng tôi về những nỗ lực cũng như kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thục Luyện đạt được trong năm qua, ông Đỗ Văn Chung, ủy viên UBND xã cứ muốn nhấn mạnh đến lĩnh vực kinh tế. Mà cũng đúng thôi, kinh tế phải đi trước một bước để tạo tiền đề cơ sở cho văn hóa, tinh thần. Năm 2008, trong những chi phối của biến động kinh tế từ bên ngoài, trong những khó khăn khi phải đối mặt với bất lợi của thiên tai, thời tiết, Thục Luyện vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 11% với tổng giá trị sản xuất đạt trên 31,2 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Trong đó nông - lâm nghiệp, thuỷ sản 18,9 tỷ đồng tăng 26%; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 6,86 tỷ đồng (tăng 174%); thương mại-dịch vụ 5,62 tỷ đồng tăng 31%. Thu nhập bình quân tính theo đầu người toàn xã đạt 5,938 triệu đồng/năm. Tổng hợp từ các mô hình, cách làm của nông dân Thục Luyện, được biết: Với tổng diện tích trồng cây lương thực cả năm là hơn 300ha, gồm gần 200ha lúa, trên trăm ha ngô, năng suất lúa đạt đến 4,6 tấn, ngô 4,5 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực của xã cũng thu được trên 900 tấn , chia bình quân cho 5,2 nghìn dân đạt bình quân 370kg/ người/ năm, cập ngưỡng dư dả. Chăn nuôi trâu bò có tổng đàn 1.050 con, gần 3.000 lợn cùng gia cầm, ong, cá… mang lại nguồn thu kha khá cho các hộ nông dân. “Điểm nhấn” cho sự gia tăng về thu nhập chính là sản xuất lâm nghiệp theo mô hình nông lâm kết hợp với những vườn rừng, trang trại rừng cho thu nhập khá cao và việc trồng cây nông nghiệp với chủ yếu là lạc (20ha), đỗ tương (6,5ha) và đặc biệt là 331ha chè với sản lượng ngót 6 nghìn tấn.

Thục Luyện là một trong số ít xã của Thanh Sơn có được cả 4 lợi thế. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, như ông cha ta đã tổng kết. Thêm nữa là “cận lâm”. Ở Thục Luyện ngành sản xuất vật liệu xây dựng khá phát triển, với sản lượng 150 vạn viên gạch xỉ. Các nghề dịch vụ chế biến nông - lâm sản tiếp tục được mở mang. Toàn xã có tới 84 cơ sở kinh doanh dịch vụ với các ngành nghề vận tải, chế biến chè, chế biến lâm sản và dịch vụ thương mại. Điện lưới quốc gia đã về tới 99,2% số hộ. Nhân dân trong xã đã cùng với các kênh cung ứng vốn từ ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên chục tỷ đồng là những yếu tố thúc đẩy sản xuất, vừa cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc ở đây. Cả xã chỉ còn 8% hộ nghèo; số hộ khá giả tăng đáng kể. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên từ cố gắng của cán bộ, nhân viên trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phát triển số dân ở một xã miền núi mà chỉ la 0,97%.

Nếu tính các xã từ tỉnh lộ 316 đi Yên Sơn của huyện, thu ngân sách của Thục Luyện vào tốp dẫn đầu với số thu gần 2,7 tỷ đồng, trong khi rất nhiều xã khác chỉ đạt vài chục triệu đồng.

Quan tâm tới vấn đề “Tam Nông”, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở Thục Luyện đang có những tác động tích cực nhằm tạo chuyển biến một bước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Vì thế, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về kinh tế của xã được xác định là đẩy mạnh phát triển nông- lâm nghiệp và kinh tế nông thôn đồng thời với phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 11%, bình quân thu nhập 6,5 triệu đồng/ người, bình quân lương thực 400 kg/ người; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia- những tiêu chí tối thiểu cho thấy một vùng nông thôn miền núi đang trên đà phát triển.

Không chỉ là màu xanh của cây trồng như cảm nhận đầu tiên, qua chuyến “điền dã” ngắn ngủi ở vùng nông thôn miền núi này, còn thấy bức tranh xuân của Thục Luyện có thêm những nét chấm phá thật sinh động. Sông Bứa đang mùa cạn, nước rút đến đâu cỏ mọc tới đó cho hàng trăm trâu bò mải mê tìm kiếm thức ăn. Chiếc cọn bên suối vẫn cần mẫn xoay vòng những điệu ngàn xưa trong tiếng nước đổ tong tóc vào máng tưới cho từng ruộng ngô, cây lúa… Hương Giang