Bảo tồn nghề làm ngói đất của người Nùng Dín
baophutho.vn Chưa biết nguồn gốc viên ngói từ đâu nhưng cách nay hơn 40 năm, bà con người Nùng Dín ở xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã truyền cho nhau nghề làm ngói đất nung để lợp mái nhà. Ngày nay, nghề làm ngói truyền thống của người Nùng Dín dường như mai một, ít người duy trì nghề truyền thống này nữa.

Bảo tồn nghề làm ngói đất của người Nùng Dín

Chưa biết nguồn gốc viên ngói từ đâu nhưng cách nay hơn 40 năm, bà con người Nùng Dín ở xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã truyền cho nhau nghề làm ngói đất nung để lợp mái nhà. Ngày nay, nghề làm ngói truyền thống của người Nùng Dín dường như mai một, ít người duy trì nghề truyền thống này nữa.

Bảo tồn nghề làm ngói đất của người Nùng Dín

Người Nùng Dín ở bản Văng Leng kể lại, trước kia nhà nào ở đây cũng học để tự tay làm ra ngói lợp nhà cho gia đình mình và anh em trong dòng họ.

Nghệ nhân ưu tú Lù Phìn Hòa, người Nùng Dín ở bản Văng Leng nhớ lại: “Trước năm 1979, có ông Lùng Tả Chéng, người Nùng ở thôn Lồ Sử Thàng (xã Dìn Chin) về dạy cả bản làm ngói đất. Hồi đó, hầu như đàn ông trong bản Nùng Dín ai ai cũng theo học và biết làm ngói đất”.

Theo tiếng dân tộc Nùng Dín thì viên ngói đất này gọi là “chích cổm”. Để làm được ngói đất, người già đi chọn nơi có đất thịt, rồi giao nhiệm vụ cho thanh niên trẻ tuổi nhặt sạch đá. Sau đó, mọi người cho trâu giẫm trên đất chừng 3 đến 4 buổi, rồi mới nhào đất để cho vào khuôn làm ngói.

Theo lời mô tả của nghệ nhân Lù Phìn Hòa, khuôn làm ngói được người Nùng Dín đẽo từ gỗ thông, dùng dây cây móc làm đai. Khuôn làm ngói có hình dáng như chiếc xô tôn, đường kính khoảng 30-40 cm. Một khuôn như vậy, mỗi lần làm được 4 viên ngói đất. Sau khi thành viên ngói mộc, lựa ngày nắng đem phơi, chờ ngói khô rồi mới đắp lò để nung.

Mặc dù không tổ chức thành nghi lễ, nhưng thường trước khi đốt lò để nung một mẻ ngói đất, người Nùng Dín mổ lợn, mổ gà để cúng tổ tiên theo quan niệm làm “lý” cho “địa lợi, nhân hòa”. Cả bản cắt cử nhau đi lấy củi về nung ngói. Để nung một mẻ ngói, phải đốt lò bằng củi và thay phiên canh lò trong 4 ngày 4 đêm liên tiếp. Mỗi mẻ ngói nung được khoảng 4 vạn viên ngói. Mỗi ngôi nhà lợp hết khoảng 10.000 viên ngói.

Sau năm 1979, cả bản người Nùng Dín dừng không làm ngói một thời gian, cho đến tận năm 1981-1982, ông Lù Phìn Hòa và đàn ông trong bản mới đốt lò ngói trở lại, những viên ngói từ năm đó vẫn dùng cho đến ngày nay… Hiện nay, nghề làm ngói truyền thống của người Nùng Dín dường như đã bị mai một, ít người duy trì nghề truyền thống này nữa.

Vậy nhưng, mái ngói đất nung ở Văng Leng vẫn được ví như nhân chứng lặng thầm, không chỉ chở che cho con người mà còn cả những vui buồn, ký ức tốt đẹp theo tháng năm của những gia đình, những cuộc đời nối tiếp các thế hệ trong ngôi nhà đó.

TS. Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Lào Cai cho rằng: Nghề làm ngói đất nung là một trong số những nghề truyền thống của cộng đồng tộc người dân tộc thiểu số ở Lào Cai, chỉ tiếc là giờ đây không còn ai làm ngói nữa, mặc dù tri thức và kỹ thuật làm ngói vẫn ở trong đầu của rất nhiều người Nùng Dín vùng cao Mường Khương.

Mái ngói đất nung mang theo mơ ước của người Nùng Dín ở vùng cao Mường Khương về một gia đình trên kính dưới nhường, hòa hợp, hạnh phúc. Mái ngói ấy còn là biểu tượng cho sự giao hòa giữa đất và trời, mang theo niềm tin về một cuộc sống yên bình, giản dị, đậm nét truyền thống. Hơn thế, viên ngói đất nung của người Nùng Dín ở Tung Chung Phố còn thể hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn.

Mong muốn khôi phục lại nghề làm ngói đất nung của người Nùng Dín, bà Nguyễn Thị Điều, Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thể thao huyện Mường Khương cho biết: “Huyện Mường Khương cũng đã đưa vào kế hoạch bảo tồn nghề làm ngói đất nung này. Cùng với bảo tồn di sản múa ngựa giấy của người Nùng Dín, chúng tôi sẽ xây dựng bản Văng Leng trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn của vùng cao Mường Khương”.

Lê Thanh Cường/ baochinhphu.vn