PTO- Ngày 16-5-2002, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ được thành lập (gọi tắt là Liên hiệp hội). Liên hiệp hội Phú Thọ là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức KH&CN tỉnh nhà. Trải qua chặng đường hơn 6 năm, mặc dù có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn và không ổn định, nhưng Liên hiệp hội đã phát triển mạnh: Từ lúc có 6 hội thành viên đến nay có 15 hội với 17.296 hội viên thuộc 415 chi hội.
Hội Đông y được thành lập ngày 10-12-1959 hiện có 88 chi hội với 686 hội viên. Tính trong 6 năm qua, hội đã khám bệnh cho 8411.000 người, tổng số điều trị là 729.800 bệnh nhân với số thuốc đã bốc là 3.101.000 thang, trong đó có 10.556 thang, trị giá 384 triệu đồng miễn phí. Hội đã triển khai 16 đề tài nghiên cứu, mở được hội nghị tâm đắc, có 64 bài thuốc quý, 48 cây thuốc quý đưa vào sử dụng. Hội Châm cứu thành lập năm 1997, hiện có 14 chi hội với 363 hội viên. Hội đã phối hợp với Hội đông y, Bệnh viện y học cổ truyền tổ chức đào tạo 390 cán bộ y tế, hướng dẫn thực hành cho sinh viên Cao đẳng y tế Phú Thọ. Hội đã khám và chữa bệnh cho 556.500 người, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 68%. Một số bệnh có kết quả cao như: đau vai cấp, liệt dây thần kinh số VII. Điều dưỡng là hội có 21 chi hội hoạt động tại các bệnh viện với tổng số 778 hội viên là các điều dưỡng viên, hộ sinh, kỹ thuật, được thanh lập năm 1999. Hội đã phối hợp với Trường trung học y tế Bạch Mai mở lớp quản lý chăm sóc cho 40 hội viên trong 3 tháng, mở lớp tập huấn cho 270 cán bộ điều dưỡng của các xã, phường, 95 cán bộ hộ lý ở các bệnh viện, triển khai 3 đề tài nghiên cứu khoa học, 5 sáng kiến được áp dụng.
Hội làm vườn có tổ chức từ Tỉnh hội, huyện hội đến các chi hội ở xã, phường. Hội được thành lập ngày 6-3-1991, từ 3 chi hội với 85 hội viên ban đầu nay có 12 huyện hội, 192 chi hội với 12.528 hội viên. Hội đã tập trung vào việc cải tạo, tu bổ 3.292 ha vườn tạp, 1.949 ha mặt nước ao hồ, 9.344 ha chuồng nuôi gia súc, thiết kế 290 mô hình VAC; tổ chức 7 lớp đào tạo công nhân kỹ thuật thuỷ sản với 700 học viên tham dự, cung cấp 16.200 bộ tài liệu và 36.800 tờ gấp. Hội chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu như tuyển chọn, nhân giống hồng Hạc Trì, chuối tiêu ngự vàng, có 2 đề tài nhận được giải thưởng tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh.
Năm 1993, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, Hội Luật gia được thành lập, hiện có 29 tổ chức cơ sở với 1.060 hội viên. Hoạt động của hội phong phú, đa dạng: Đã đóng góp ý kiến vào 22 bộ luật, pháp lệnh, tham gia thẩm định 3.643 văn bản quy phạm pháp luật, rà soát trên 81.000 văn bản phát hiện 572 văn bản hết hiệu lực; tư vấn, soạn thảo, thẩm định 2.600 quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia chấm 162 cuộc thi hiểu biết pháp luật với trên 650.000 người dự thi, viết trên 500 bài được đăng trên các chuyên mục pháp luật, đời sống. Hội đã tư vấn miễn phí cho gần 21.000 lượt người nghèo chủ yếu lĩnh vực đất đai, kinh tế, hòa giải 12.800 vụ tranh chấp.
Hội Kiến trúc sư thành lập năm 1989, chỉ có 35 hội viên nhưng có nơi làm việc độc lập và ổn định. Trong 5 năm qua, hội đã tham gia vào chương trình 135, thiết kế, quy hoạch xây dựng 30 xã, 10 cụm xã miền núi; chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng 13 xã an toàn khu; tư vấn, thiết kế nhiều công trình văn hóa xã hội; tham gia phản biện các dự án xây dựng tháp tưởng niệm các vua Hùng, cổng vào khu di tích Đền Hùng.
Vào năm 2002, cùng với sự ra đời của Liên hiệp hội, 5 hội thành viên được thành lập: Hội khoa học lịch sử, Tin học, Tiêu chuẩn & BVNTD, Kinh tế, Chăn nuôi Thú y. Qua 6 năm hoạt động, Hội Tiêu chuẩn & BVNTD phát triển mạnh từ chỗ chỉ có 120 hội viên nay có 584 hội viên sinh hoạt trong 14 chi hội, 5 câu lạc bộ và văn phòng tư vấn NTD. Hội đã tổ chức được 11 hội nghị tư vấn cho 2.570 lượt người dự, 8 cuộc tọa đàm về nội dung, phương pháp ghi phiếu nhãn hàng hóa; can thiệp giải quyết một số vụ khiếu nại của dân về chất lượng hàng hóa điển hình là đã khảo sát và kiến nghị với Sở Y tế và các cơ quan chức năng về giá thuốc tính cho người được bảo hiểm y tế cao hơn giá thị trường. Hội Tin học có 83 hội viên, ngay sau khi thành lập đã tham gia vào các chương trình, đề án 112, 191, 47; tổ chức thành công cuộc thi tin học trẻ không chuyên. Hội đã phối hợp đào tạo 3.500 học viên có trình độ A, B, C, trung học, đại học về công nghệ thông tin; tham gia triển khai 3 đề tài nghiên cứu, có 2 đề tài đã đạt giải thưởng hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh. Hội khoa học lịch sử có 70 hội viên, đã triển khai nghiên cứu, biên soạn 2 tập lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử ngành Công an và Mặt trận Tổ quốc, lịch sử 13 huyện - thành - thị, 150 xã, phường, thị trấn. Hội tham gia nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học Xóm Rền, Làng Cả, Thanh Đình. Hội Chăn nuôi thú y được thành lập với hoạt động chuyên môn đặc thù do 2 cơ quan cấp trên là Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hội thú y Việt Nam hoạt động độc lập. Hội đã phát triển nhanh từ 104 hội viên ban đầu, nay có 387 với 28 chi hội. Thành viên của hội có 3 người tham gia BCH Trung ương hội, nên có điều kiện tiếp cận với thông tin nhạy cảm. Trong các đợt dịch gia súc, hội đã tham gia tiêm phòng 559.700 trâu bò, 1.232.000 lợn, trên 25 triệu gia cầm; tổ chức 123 lớp tập huấn cho 9.800 lượt người, có 2 lớp được tổ chức ngay nơi có dịch và có người bị hại do bệnh cúm gia cầm xảy ra đầu năm 2008 ở Cẩm Khê; tham gia tổ chức 5 hội thảo, đặc biệt là cuộc hội thảo về “vai trò, trách nhiệm của đội ngũ khoa học và doanh nghiệp ngành chăn nuôi thú y Phú Thọ trong sự hội nhập WTO”; tham gia 3 đề tài nghiên cứu trong đó chủ trì đề tài “Điều tra, khảo sát đặc điểm gà nhiều cựa”, loại gà quý hiếm có liên quan đến truyền thuyết thời đại Hùng Vương.
Từ năm 2005 đến nay Liên hiệp hội đã có thêm 3 đơn vị thành viên: Hội khoa học lâm nghiệp; Thủy lợi; Văn nghệ dân gian.
Phú Thọ là nơi khởi đầu của kinh tế đồi rừng. Ngày 4-2-2005 Hội lâm nghiệp được thành lập. Điều đặc biệt so với các hội khác là 72 thành viên sinh hoạt trong 5 đơn vị thành viên thuộc tất cả các đơn vị có liên quan đến lâm nghiệp của Trung ương đóng trên lãnh thổ. Bởi vậy tiềm năng, quy mô hoạt động của hội rất rộng lớn. Hội thủy lợi thành lập tháng 10-2005, đến nay có 10 chi hội với 208 hội viên. Hội đang triển khai nghiên cứu các công trình thuỷ lợi góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Hội văn nghệ dân gian thành lập cách đây đã 40 năm, ngày 10-7-2008 đã gia nhập đại gia đình Liên hiệp hội với 6 chi hội có 107 hội viên.
Một loại hình mới là Câu lạc bộ UNESCO và Trung tâm dưỡng sinh tâm thể được thành lập vào đầu năm 2008. Câu lạc bộ UNESCO là tổ chức xã hội hoạt động trên các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục trên cơ sở mục tiêu của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, Hiến chương của tổ chức UNESCO quốc tế. Câu lạc bộ hiện có 85 hội viên, trong đó 53 hội viên được Trung ương hiệp hội UNESCO Việt Nam cấp thẻ. Trung tâm dưỡng sinh tâm thể tập hợp được 250 hội viên với chức năng, nhiệm vụ là tập hợp những người có khả năng, tâm huyết tham gia nghiên cứu, ứng dụng công năng dưỡng sinh góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng nhất là những người nghèo, khó khăn.
Sau 6 năm xây dựng, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã phát triển mạnh mẽ, với các chuyên ngành khác nhau, các hình thức tổ chức khác nhau đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học & công nghệ tham gia. Điều đó chứng tỏ rằng, tổ chức Liên hiệp hội thực sự là nhu cầu không chỉ của đội ngũ trí thức mà còn là nhu cầu của xã hội. Với sự phát triển về tổ chức, và hoạt động, Liên hiệp hội đã xác định được vai trò vị trí của mình, là nơi gửi gắm niềm tin của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên quê hương đất Tổ.
Nguyễn Khắc Khôi