PTO- Phú Thọ đã chuyển đổi xong mô hình quản lý điện lưới nông thôn từ ban điện xã sang HTX dịch vụ điện năng (HTX DVĐN) và 100% số xã có điện lưới Quốc gia từ năm 2003. Hàng năm, các chương trình, dự án được đầu tư không ngừng mở rộng và phát triển lưới điện trung, hạ áp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong thời gian qua, đã đầu tư nâng cấp, cải tạo toàn bộ lưới điện trung, hạ áp nông thôn cho 33 xã giai đoạn 1. Hiện đang triển khai đầu tư nhân cấy trạm chống qua tải như chương trình IVO... Trong đó chú ý là việc xây dựng lưới điện trung, hạ áp nông thôn cho 54 xã; riêng huyện Phù Ninh có 6 xã với mức vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng.
Mặc dù mới chuyển đổi, nhưng hoạt động của các HTX DVĐN bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các HTX đã hoàn thành hồ sơ pháp lý về hoạt động điện lực. Đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân vận hành được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và an toàn điện nông thôn. Nhờ đó chất lượng điện dần được cải thiện và nâng cao, giảm tổn thất.
Đồng thời giá bán hợp lý, không vượt giá trần do nhà nước quy định. Bước đầu hiệu quả kinh doanh của các HTX được đánh giá khả quan và đi vào nền nếp. Song thực tế việc quản lý, vận hành lưới điện hạ áp nông thôn của các HTX DVĐN còn nhiều bất cập. Nhìn chung cơ chế quản lý và sử dụng điện xây dựng còn thiếu chặt chẽ chưa đáp ứng được yêu cầu. Phương án giá bán điện sinh hoạt xây dựng chưa đúng quy định, cả về cơ cấu và tỷ trọng các thành phần trong phương án giá. Việc thực hiện hạch toán thu chi tài chính chưa đúng quy định. Hợp đồng mua bán điện với các hộ sử dụng điện chưa đúng mẫu quy định.
Có HTX DVĐN vẫn còn hạch toán chung với HTX NN. Trong khi đó hệ thống đường dây 0,4KV độ võng lớn, xà, sứ cách điện chưa được bảo vệ thay thế thường xuyên, công tơ đo đếm chưa kiểm định theo quy định; đường dây 1 pha sau công tơ tiết diện, khoảng cách giao chéo với đường giao thông không đảm bảo, nguy cơ mất an toàn điện cao, nhất là mùa mưa bão. Ở nhiều địa phương chất lượng điện rất kém, tình trạng “ ăn cơm đèn” diễn ra không đúng với đồng tiền thực tế người dân bỏ ra. Việc thực hiện giá bán điện mục đích khác chưa đúng quy định, vẫn còn tình trạng bán nhóm, bán tổng, còn tồn tại các nhóm sử dụng điện. Tổn thất điện năng kỹ thuật còn ở mức cao và chưa hạn chế được tổn thất điện năng thương mại.
Hiện tượng này có địa phương đã gia tăng mà không có giải pháp khắc phục. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2005 và 9 tháng đầu năm 2006 trên địa bàn tỉnh bình quân thất thoát điện năng hơn 25%. Đây là một con số rất lớn mà hàng năm người dân phải gánh chịu hàng chục tỷ đồng. Những bất cập này đều xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là trình độ cán bộ quản lý, công nhân vận hành của các HTX DVĐN chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định.Phần lớn chưa được đào tạo chính quy và tập huấn nghiệp vụ thường xuyên... Bên cạnh đó hạ tầng điện xuống cấp, nguồn lực không đáp ứng để đầu tư cải tạo. Những nguyên nhân này đã làm cho hiệu quả kinh doanh của các HTX DVĐN thấp và đặc biệt giá bán điện nông thôn còn rất cao.
Với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn về điện lực, ngành công nghiệp đã quan tâm và thực hiện công tác tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý và an toàn điện nông thôn; đào tạo cấp thẻ kiểm tra viên điện lực; cấp phép hoạt động điện lực. Sở Công nghiệp đã giao cho Trung tâm khuyến công phối hợp với các huyện mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và an toàn điện nông thôn cho cán bộ quản lý, công nhân vận hành lưới điện nông thôn của các HTX DVĐN. Từ những lớp tập huấn này các học viên được nhận thức sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của điện khí hóa nông thôn trong tiến trình CNH- HĐH đất nước, góp phần to lớn trong việc nâng cao đời sống và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hiểu đúng điện năng là loại hàng hóa đặc thù, quá trình sản xuất, truyền tải để cung ứng và sử dụng diễn ra cùng một lúc nên không có sản phẩm kết dư hay tồn kho. Vì vậy việc quản lý và cung ứng sử dụng điện có hiệu quả, nhất là trong khu vực nông nghiệp nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đồng thời ngành cũng chủ động xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực trên địa bàn. Đến nay tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển điện lực 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2015 cho 12 huyện thành thị và 8 thị trấn. Hướng tới ở các HTX DVĐN sẽ hình thành các công ty cổ phần điện năng khu vực. C.A