Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ: Dấu ấn một nhiệm kỳ
baophutho.vn Với chức năng tập hợp, đoàn kết nông dân, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội Nông dân các cấp đã góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Với chức năng tập hợp, đoàn kết nông dân, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội Nông dân các cấp đã góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Việt Trì lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực rất quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Trên địa bàn tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của bà con nông dân trong toàn tỉnh, những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nông nghiệp tăng trưởng khá cao và phát triển toàn diện, tốc độ phát triển tăng từ 3,5-4%/năm; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, những sản phẩm chủ lực, có lợi thế trong nông nghiệp được quan tâm và có chính sách phát triển, một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài như chè, chuối, bưởi, các sản phẩm chế biến từ gỗ. Chương trình OCOP được triển khai rộng khắp, đến nay đã có 139 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn ba sao, bốn sao. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có bốn huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 131/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có tám xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 1.561 khu dân cư nông thôn mới, trong đó có 52 khu nông thôn mới kiểu mẫu.

Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, dân trí tiếp tục được mở rộng, phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng được phát huy tốt, khơi dậy khát vọng vươn lên, tạo động lực thúc đẩy làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp tích cực của hệ thống tổ chức Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở.

Thực hiện nhiệm vụ do Đại hội IX Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đề ra, trong nhiệm kỳ 2018-2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh uỷ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; được HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả; các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết thống nhất, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả trong nhiệm kỳ đã hoàn thành 11/13 chỉ tiêu do Đại hội lần thứ IX đề ra, một số chỉ tiêu vượt cao.

Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Mô hình trồng bưởi của gia đình hội viên Lê Tuấn Dũng ở khu 1, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì với quy mô trên 1.500 gốc, đem lại thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.

Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, kịp thời, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, địa bàn sinh sống và lao động của hội viên, nông dân, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội trong thông tin, tuyên truyền đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các cấp Hội đã quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII, XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đến năm 2025; ba Nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam (khoá VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh được các cấp Hội xác định là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của Hội và phong trào nông dân.Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội được tăng cường chỉ đạo, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ở nông thôn; từng bước đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội; tổ chức bộ máy, cán bộ được sắp xếp lại theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu quả; cán bộ Hội các cấp thường xuyên được kiện toàn, đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp 11.364 hội viên, vượt 11,36% so với Nghị quyết Đại hội, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh là 200.415 hội viên, chiếm 92,3% so với hộ nông dân. Chất lượng cơ sở Hội, chi Hội và hội viên được nâng lên rõ rệt, qua đánh giá xếp loại hằng năm có 90% số cơ sở Hội, 85% số chi Hội và 100% các huyện, thành, thị Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có cấp Hội không hoàn thành nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả, kịp thời phát hiện, uốn nắn những thiếu sót, tồn tại ngay từ cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp.

Các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh; được cụ thể hoá với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi hằng năm thu hút trên 126 nghìn hộ nông dân đăng ký với hơn 78 nghìn hộ đạt danh hiệu, đồng thời thông qua phong trào đã vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tương trợ, giúp đỡ giải quyết việc làm tại chỗ gần 15 nghìn lao động nông thôn, trực tiếp giúp đỡ thoát nghèo cho 4.538 hộ nông dân với tổng giá trị trên 3.250 triệu đồng. Thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân hiến trên 895.000m2 đất; xây dựng, duy tu, cải tạo 1.188km đường giao thông nông thôn, 1.600km kênh mương; đóng góp trên 373 ngàn ngày công, hơn 21.600 triệu đồng.

Trong nhiệm kỳ đã hỗ trợ 1.286 hộ nông dân vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 51.958,4 triệu đồng; tổ chức đào tạo nghề cho 15.258 lao động nông thôn, cung ứng 25.371 tấn phân bón NPK Lâm Thao chậm trả cho 152.147 lượt hộ nông dân với giá trị gần 160.000 triệu đồng; tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 550.000 lượt hội viên, nông dân; chỉ đạo hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, trong nhiệm kỳ có 76.699 hội viên nông dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; mở rộng quan hệ phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp. Nhiều hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đến hội viên nông dân, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Phát huy vai trò của các cấp Hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thông qua hoạt động đối thoại, tiếp xúc, tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp thực hiện tiếp nông dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án của tỉnh, địa phương; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội nhân đạo từ thiện; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.

Tuy nhiên, hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ cũng còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế: Chỉ tiêu về tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân và tỉ lệ nông dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt; công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, nông dân ở một số cơ sở Hội hiệu quả chưa cao; công tác phát triển hội viên ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động ở một số cơ sở chưa thường xuyên, chưa sát với thực tế.

Từ những kết quả đạt được, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ luôn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá, xếp loại đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho hai nông dân tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ tặng hai Cờ thi đua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng một Cờ thi đua, một Bằng khen cho tập thể Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh uỷ tặng một Bằng khen cho tập thể Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh. Đây vừa là tiền đề vừa là động lực để tổ chức Hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong những năm tiếp theo.

Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội uy tín, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy, “cánh tay nối dài” của Đảng, chính quyền với nông dân, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguyễn Thủy Trọng

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh