Du lịch Cà Mau hành trình ra “biển lớn”
PTO- Sau 19 năm chia tách, dẫu còn đó những khó khăn, nhưng diện mạo vùng đất cực Nam này ngày càng tươi mới. Với tiềm năng phát triển to lớn, du lịch là một trong những thế mạnh...

Du lịch Cà Mau hành trình ra "biển lớn"

PTO- Sau 19 năm chia tách, dẫu còn đó những khó khăn, nhưng diện mạo vùng đất cực Nam này ngày càng tươi mới. Với tiềm năng phát triển to lớn, du lịch là một trong những thế mạnh được Cà Mau hết sức quan tâm phát triển. Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Địa phương đang nỗ lực khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để tạo động lực cho sự phát triển. Một trong những lĩnh vực được tập trung quan tâm đó là du lịch và các hoạt động dịch vụ kèm theo”.

Với những sản vật đặc trưng, du khách đến Cà Mau sẽ có được nhiều

món quà ý nghĩa cho người thân.

Du lịch Ngọc Hiển trong chiến lược phát triển du lịch Cà Mau định hướng đến 2030 là một trong hai “hạt nhân” chiến lược của tỉnh nhà (cùng với rừng U Minh). Cùng với đó là rất nhiều sự kỳ vọng vào một quá trình “lột xác” để du lịch Ngọc Hiển có thể vươn mình ra biển lớn. Du lịch đối với Ngọc Hiển không hề mới mẻ, những khó khăn và triển vọng đều được người trong cuộc nhìn nhận thấu đáo, để rồi cho đến nay quãng đường từ “tiềm năng” đến hiện thực hóa vẫn xa vời vợi…

NHỮNG ĐIỂM NHẤN DU LỊCH

Nghị quyết 05 của Huyện ủy Ngọc Hiển về đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015 cho thấy nhận thức đúng đắn của các cấp lãnh đạo nơi đây về tiềm năng phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Ngọc Hiển có một vị trí vô cùng “đắc địa” có rừng, có biển, có đảo đặc biệt là khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Cụm đảo Hòn Khoai có lịch sử hào hùng và giá trị sinh thái trù phú với Bãi Khai Long quang cảnh tự nhiên ngoạn mục. Cồn Cát, Ông Trang, cửa biển Bồ Đề là nơi tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa thông thương của các tàu thuyền lớn trên biển về cảng Năm Căn.

Với truyền thống cách mạng vẻ vang, Ngọc Hiển là vùng căn cứ kháng chiến, là địa danh đi vào lịch sử gắn với những người anh hùng, những chiến công vang dội. Còn đó Bến Vàm Lũng, điểm cuối cùng của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940 mãi mãi là bản anh hùng ca của ý chí cách mạng, của tinh thần quật khởi của những người con nơi cuối đất.

Mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam. Đất Mũi được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, và trong đời ai cũng mong muốn một lần đặt chân đến. Đến với Mũi Cà Mau, du khách được thăm cột mốc tọa độ quốc gia, ngắm rừng, ngắm biển, tham quan khu mô phỏng làng rừng kháng chiến, chụp ảnh lưu niệm biểu tượng con thuyền của mũi đất chóp cùng. Bên trái là biển Đông, bên phải là biển Tây, du khách như đang đứng trên mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc Việt Nam.

Cụm đảo Hòn Khoai có tổng diện tích khoảng 577ha, thuộc xã Tân Ân. Nằm cách đất liền 18km với nhiều đảo nhỏ như Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Quy, Hòn Đá Lẻ… trong đó Hòn Khoai có diện tích lớn nhất khoảng 420ha. Đảo Hòn Khoai là một thắng cảnh hữu tình với thảm rừng thiên nhiên độc đáo, có 93% diện tích rừng nguyên sinh. Nơi đây cũng là một trong những khu di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của Ngọc Hiển. Trong năm 2012, tỉnh Cà Mau đã dành trên 17 tỷ đồng để đầu tư, quy hoạch phát triển cụm đảo Hòn Khoai, trong đó nhấn mạnh đến giá trị du lịch sinh thái của địa điểm này.

Bãi biển Khai Long thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi là bãi cát ven biển chiều dài gần 4km. Không gian này phần lớn giữ được nét hoang sơ tự nhiên, dải cát rộng trên 1km với bờ biển dài thoai thoải, là nơi rất lý tưởng để hình thành các bãi tắm, khu du lịch bãi cát. Từ đây nhìn ra cụm đảo Hòn Khoai với đỉnh cao 318m so với mặt nước biển, quang cảnh hùng vĩ và nên thơ. Ngoài ra còn có Bến Vàm Lũng thuộc ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, đây là điểm tiếp nhận trên 3.000 tấn vũ khí của 57 chuyến tàu cập bến chi viện cho chiến trường miền Nam từ 1962 – 1972. Về thăm Ấp Mũi, du khách sẽ thấy những xóm nhà không cửa, quanh năm “mở rộng” để đón tiếp khách phương xa. Về đây nghe những người ngư dân “gác chèo” sau chuyến đi biển để xuống nhịp câu vọng cổ ngọt lịm, bình yên…

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, ngành du lịch của địa phương có những thế mạnh ít nơi sánh kịp. Đặc biệt, du lịch Ngọc Hiển là một điểm hết sức trọng yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của toàn ngành. Xác định được điều này không khó, nhưng làm sao để du lịch Ngọc Hiển “lột xác hoàn toàn” thì không hề đơn giản. Ngọc Hiển đang nỗ lực để tạo ra những điểm nhấn mang tính quyết định cho lĩnh vực du lịch. Nếu thành công, mảnh đất này sẽ vươn mình trở thành một điểm đến du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Ngay từ khi chia tách huyện năm 2004, những công việc trọng yếu để xây dựng, phát triển lĩnh vực du lịch đã được Ngọc Hiển xúc tiến tích cực. Huyện đã quy hoạch Vườn Quốc gia – khu dự trữ sinh quyển thế giới; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cụm đảo Hòn Khoai; đầu tư hạ tầng du lịch Đất Mũi, Khai Long và các di tích lịch sử. Tốc độ tăng trưởng bình quân du lịch giai đoạn 2005-2010 đạt 13%. Đến thời điểm hiện tại, lượng du khách đến với Ngọc Hiển đã xấp xỉ mốc 300.000 lượt/năm.

Theo Đồ án điều chỉnh mở rộng quy hoạch chi tiết xây dựng khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Ngọc Hiển sẽ thực sự trở thành “điểm sáng” của du lịch toàn tỉnh. Chuỗi liên hoàn từ Ông Trang đến Khai Long, Khai Long đến Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, rồi kết nối với Bãi Bồi – Cồn Ông Trang và về lại trung tâm xã Viên An sẽ là hành trình “huyết mạch” của đồ án này. Tổng diện tích của khu quy hoạch, khu du lịch Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là 1.224ha, bao gồm: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vườn, du lịch rừng ngập mặn, du lịch sinh thái rừng phòng hộ, khu bảo tồn rừng ngập mặn và khu bảo tồn thiên nhiên.

Tuy nhiên, ngành du lịch Ngọc Hiển vẫn chưa xứng tầm với những gì mình có. Lượng du khách đến đây chủ yếu là khách nội địa, thời gian lưu trú rất ngắn, thường là chỉ một ngày. Phản hồi của nhiều khách đến với Đất Mũi là giá cả dịch vụ cao trong khi chất lượng dịch vụ lại không tương xứng. Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, không có sức hấp dẫn với du khách. Chưa kết nối được các tuyến, các tour du lịch nên hành trình du lịch thường nhàm chán. Đội ngũ nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu. Doanh thu du lịch của địa phương còn hạn chế, và đương nhiên việc đầu tư ngược trở lại cho du lịch cũng vô cùng khó khăn.

Định hướng phát triển du lịch của Ngọc Hiển nói riêng cũng như của tỉnh Cà Mau nói chung cần phải đảm bảo được yếu tố kinh tế và tính đến sự bền vững của hệ sinh thái. Không làm tràn lan, tự phát và vô tổ chức, hướng đến sự hài hòa của các yếu tố tự nhiên, xã hội. Tuy nhiên cái khó đến từ nhiều phía, nguồn vốn, nguồn nhân lực, nhận thức của nhân dân về câu chuyện “làm du lịch” và sinh sống “bằng du lịch”. Các công ty lữ hành du lịch tại Cà Mau hiện tại đều chỉ thẳng ra những “yếu điểm” mà du lịch Cà Mau đang đối mặt, trong đó du lịch Ngọc Hiển là một minh chứng cụ thể. Ngành du lịch hiện đại và chuyên nghiệp chỉ ra rằng, đừng đánh giá du lịch qua con số, hãy xem du khách ở đó bao lâu, mua được gì và khi ra về họ cười thỏa mãn hay cảm giác bị “ăn cắp” thời gian, bị “lừa đảo”. Có rất nhiều chuyện phải làm, du lịch Ngọc Hiển cũng vậy, hãy bắt đầu từ những gì mình có, mình có thể và mình chắc chắn làm được.

Phạm Quốc Rin